Hà Nội đón người lang thang về Trung tâm ăn Tết Nguyên đán

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trong đêm 2/2 đã có 3 người lang thang theo Quyết định 0653 của UBND TP Hà Nội được mời và đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội I về đón giao thừa và ăn Tết Nguyên đán 2019.

Ông Khổng Văn Sáng ngủ trên bậc vỉa hè đường Phan Đình Phùng
Với mong muốn mọi người ở Hà Nội ai cũng được ăn Tết, đêm 2/2, các cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm tổ chức đi kiểm tra và mời người lang thang về ăn Tết.
Theo khảo sát của cán bộ LĐTB&XH và phóng viên Kinh tế & Đô thị, lúc 21 giờ tại khu vực vỉa hè phố Phan Đình Phùng có 2 người lang thang đang trùm chăn đến cổ nằm ngủ trên bậc thềm vỉa hè, xung quanh là quần áo và các đồ dùng cá nhân.
Lực lượng chức năng đã mời 2 đối tượng này về trụ sở công an phường Đồng Xuân để tìm hiểu và thực hiện thủ tục trước khi đưa họ lên xe ô tô chở về Trung tâm Bảo trợ xã hội I có địa chỉ ở huyện Đông Anh.

Ông Khổng Văn Sáng và ông Trần Văn Hùng (phải) đang chờ làm thủ tục tại trụ sở công an phường Đồng Xuân trước khi được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội I đón Tết

​Đối tượng thứ nhất là ông Khổng Văn Sáng, sinh năm 1968. Ông Sáng không có giấy tờ tùy thân. Lúc đầu người đàn ông này không muốn hợp tác cung cấp thông tin. Nhưng sau khi được cán bộ chính sách giải thích muốn đón về Trung tâm ăn Tết cũng như để đảm bảo sức khỏe, ông Sáng đã hiểu ra vấn đề.​
Ông Sáng cho biết, quê mình ở xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù đã có vợ con nhưng mấy tháng nay ông Sáng bỏ nhà ra Hà Nội lang thang. Khi tiếp xúc với cán bộ LĐTB&XH của Trung tâm và công an phường Đồng Xuân, ông Sáng luôn nói: “Tôi làm lao động tự do. Tôi đang chờ người nhà đến đón!”. Nhưng theo phản ánh của người dân, ông Sáng thường ngủ vỉa hè để chờ nhận quà tặng của các tổ chức từ thiện, không phải chờ ai.

Cụ bà Nguyễn Thị Ái Liên đang dọn đồ để được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội I ăn Tết.

Trường hợp thứ 2 được mời về Trung tâm Bảo trợ xã hội I đón Tết Kỷ Hợi là cụ bà Nguyễn Thị Ái Liên 87 tuổi cũng ở vỉa hè phố Phan Đình Phùng với rất nhiều quần áo và các thứ lỉnh kỉnh nồi, xong, xô, chậu, chai, lọ, làn, chổi… Bà Liên có quê ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) nhưng từ năm 18 tuổi đã bỏ gia đình đi phiêu bạt khắp nơi, lấy vỉa hè làm nhà.
Theo thông tin từ anh Nguyễn Kim Hiển - Phó Đội trưởng Đội Trật tự lao động, Trung tâm Bảo trợ xã hội I: Trường hợp bà Liên đã 5 lần được đưa vào Trung tâm chăm sóc. Sau khi ra khỏi Trung tâm, bà lão này thường đi lang thang. “Tôi giờ chẳng có người thân thích, vì thế tôi mong muốn được đón vào Trung tâm ăn Tết và sống ở đó luôn” - bà Liên mong muốn.​
Ông Trần Văn Hùng là đối tượng thứ 3 được mời về Trung tâm Bảo trợ xã hội I ăn Tết trong đêm 2/2. Các cán bộ Trung tâm đi khảo sát thấy người đàn ông 70 tuổi này đang ngồi ở vỉa hè phố Hàng Đậu ngả mũ xin tiền. Trong cái mũ của ông Hùng có nhiều tờ tiền mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000 đồng. Thế nhưng, ông Hùng cứ liên tục than: “Tôi đang ngồi hóng mát, tí sẽ đi về nhà”. Khi được hỏi nhà ở đâu thì ông Hùng không nói và cũng không cho xem bất cứ giấy tờ nào tùy thân.

Ông Trần Văn Hùng luôn miệng than: ''Tôi ngồi ở vỉa hè hóng mát, chứ không xin tiền mọi người''.

​Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Kim Hiển cho biết, trước và trong những ngày Tết Nguyên đán, cụ thể từ ngày 29 đến 6 Tết, Trung tâm Bảo trợ xã hội I tập trung vào 2 đối tượng theo Quyết định 6053 là người lang thang, đặc biệt là xin tiền ở ngã tư và những người sinh sống ở các điểm công cộng (bến xe, công viên, vỉa hè) đưa vào Trung tâm ăn Tết.

​“Các đối tượng được ăn Tết và chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội I đến qua ngày Rằm. Trong thời gian đó, cán bộ Trung tâm sẽ tham vấn, tư vấn, sau đó phân loại chuyển về địa phương. Trong trường hợp người lang thang không có người nhà bảo lãnh đón về thì Trung tâm đưa vào diện thứ hai là lang thang xin tiền để nuôi theo diện khác” - anh Hiển cho hay.