Hà Nội đóng vai trò quan trọng tại SEA Games 31

Ngọc Tú thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ là chủ nhà của SEA Games 31 – 2021. Đây là kỳ đăng cai tổ chức SEA Games lần thứ 2 trong lịch sử thể thao nước nhà. Hiện tại, công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 đang được gấp rút thực hiện. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn.

 Ông Trần Đức Phấn
Thời gian diễn ra SEA Game 31 đang tiến đến gần, ông có thể cho biết công tác chuẩn bị và những khó khăn của Việt Nam khi lần 2 đăng cai tổ chức đại hội thể thao lớn của khu vực lần này?
- Theo quy định, nước chủ nhà phải tổ chức cuộc họp bàn phương án chuẩn bị trước 18 tháng diễn ra sự kiện nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên cuộc họp phải lùi. Dự kiến, cuộc họp sẽ được tổ chức trực tuyến cùng 10 quốc gia trong 2 ngày 21 - 22/7 tới.
Tại cuộc họp này sẽ có 3 nội dung: Báo cáo công tác chuẩn bị của nước chủ nhà gồm 3 ban: Thể thao và luật; Kiểm tra y tế và doping; Phát triển phụ nữ Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam sẽ công bố nội dung và số môn thi đấu. Sau cuộc họp này sẽ còn cuộc họp vào tháng 11/2020, cơ bản công bố từ bộ môn thi đấu đến phương án tổ chức cho SEA Games 31.
Khó khăn nhất lúc này là tình hình dịch Covid-19 ở nhiều nước chưa được kiểm soát nên các nước chưa thể tổ chức các giải thi đấu, VĐV chưa trở lại tập luyện. Nếu dịch bệnh kéo dài thêm, các quốc gia không chuẩn bị được nguồn VĐV.
Việt Nam đã đưa ra đề án các môn thi đấu tại SEA Games 31 chưa, thưa ông?
- Theo nguyên tắc sẽ có 3 nhóm gồm: Các môn thể thao cơ bản như điền kinh và bơi; các môn thể thao Olympic và ASIAD và các môn thể thao khu vực. Chúng ta đã xây dựng bản đồ 36 môn thi đấu. Theo quyết định của Chính phủ, giải này được tổ chức tối đa 40 môn và ở cuộc họp tới đây các quốc gia sẽ đề xuất, thống nhất thêm 4 môn. Số lượng các môn thi đấu bị khống chế dưới 500 nội dung. Trên cơ sở các quốc gia đề nghị, chủ nhà có thể giải quyết khi có đầy đủ cơ sở vật chất. Việt Nam đã gửi thông báo cho các quốc gia, công bố số lượng 36 môn, trong đó có những môn đã từng thi đấu ở SEA Games như vovinam, lặn… riêng đá cầu sẽ không đưa vào tổ chức.
Các vận động viên thể dục dụng cụ quốc gia tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú
Ông có thể cho biết rõ hơn công tác chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất cho kỳ SEA Games này?
- Qua kỳ tổ chức SEA Games lần thứ nhất (SEA Games năm 2003), nhiều cơ sở đã xuống cấp, cần nâng cấp như Sân vận động Mỹ Đình, Khu thể thao dưới nước, trường bắn, Trung tâm Thể thao quốc gia... Việt Nam sẽ không xây mới công trình nào và cũng không xây mới hay thành lập thêm làng VĐV theo như dự kiến. VĐV và đoàn đi cùng thi đấu ở địa điểm nào thì sẽ ở tại địa điểm thi đấu đó. Qua kiểm tra và khảo sát, tất cả địa điểm thi đấu ở các địa phương cũng đều có khách sạn đáp ứng được yêu cầu, bảo đảm từ 4 sao trở lên.
Hà Nội là địa điểm chính cùng 10 địa phương lân cận đăng cai tổ chức SEA Games 31. Vậy vai trò của Hà Nội như thế nào ở SEA Games 31?
- Hà Nội đã có sự chuẩn bị từ 2018 khi đăng cai Đại hội thể thao toàn quốc. Trên cơ sở đó đến nay, Hà Nội tiếp tục có những chuẩn bị tích cực cho tổ chức nên chủ yếu các bộ môn thi đấu trong SEA Games 31 sẽ diễn ra ở đây. Ngoài tổ chức các môn thi đấu, Hà Nội có vai trò rất lớn khi là Ban Tổ chức chính và là đơn vị tổ chức lễ khai mạc, bế mạc. Qua sự kiện này, Hà Nội sẽ quảng bá đất nước Việt Nam và Thủ đô tới bạn bè quốc tế.
Ông có thể cho biết mục tiêu cụ thể của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 lần này?
- SEA Games 31 sẽ tổ chức theo nguyên tắc không đưa nội dung mạnh của mình hay loại nội dung mạnh của các quốc gia mà tổ chức hết các nội dung, trên cơ sở số huy chương sẽ được phân đều cho các quốc gia chứ không tập trung vào các quốc gia mạnh. Các quốc gia sẽ có nội dung thi đấu và có số lượng huy chương không quá chênh lệch so với trước. Tuy nhiên, Đoàn thể thao Việt Nam khi khi đấu trên sân nhà thì phải có mục tiêu cao nhất. Chúng ta cũng đặt ra các mục tiêu cho những môn Olympic, ASIAD và các nội dung trọng điểm để năm 2022 tham dự ASIAD tại Hàng Châu – Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần