Hà Nội đột phá trong công tác cán bộ

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Hà Nội đã kiên trì, quyết liệt thực hiện trong suốt 10 năm qua là củng cố tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), bộ máy chính quyền và được đánh giá là một trong số “điểm sáng” nổi bật của Thủ đô.

 Lớp đào tạo cán bộ nguồn Thành phố Hà Nội tháng 5/2018. Ảnh: Thanh Hải
Đổi mới mạnh mẽ về tư duy lãnh đạo
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” cho thấy, sau 10 năm, Đảng bộ TP đã thực hiện luân chuyển 213 trường hợp cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; 852 trường hợp cán bộ diện Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy quản lý. Nhiều cán bộ luân chuyển đã phát huy tốt khả năng, năng lực và đã được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn. Ngoài ra, thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU về “Kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, toàn TP đã giảm 985 chi bộ và gần 5.000 cán bộ...

Từ thực tế địa phương, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết, thời điểm mới hợp nhất về Hà Nội, huyện Chương Mỹ có 217 thôn, tổ dân phố nhưng có tới 237 chi bộ thôn, tổ dân phố. Vào thời điểm đó, một số thôn có tới 2 - 3 chi bộ, thậm chí một thôn có tới 4 chi bộ lãnh đạo và điều này gây ra sự chồng chéo, thiếu đồng bộ về tổ chức. Đồng thời, số TCCSĐ trực thuộc Huyện ủy rất lớn và cồng kềnh.
Sau hợp nhất, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Chương Mỹ đã quyết liệt giải thể các TCCSĐ không còn phù hợp; chuyển giao và sắp xếp lại các TCCSĐ cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, từ 76 TCCSĐ vào năm 2008, đến nay giảm xuống còn 56 TCCSĐ, giúp tinh gọn, giảm đầu mối và nâng cao năng lực lãnh đạo.

Phó Bí thư Quận ủy quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cũng cho biết, sau khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng vào năm 2008, Đảng bộ quận có tới 123 TCCSĐ. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ được quận đặt lên hàng đầu. Vì vậy, sau củng cố đến nay Đảng bộ quận còn 70 TCCSĐ. Để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của TCCSĐ, quận Hoàn Kiếm đã tập trung mạnh vào việc luân chuyển và điều động cán bộ quản lý về cơ sở. Theo đó, từ năm 2009 đến nay, đã có 69 cán bộ của quận được luân chuyển và bố trí làm cán bộ chủ chốt các phường. Sau luân chuyển, đã có 20 cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn…

Bám sát cơ sở

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, bên cạnh việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và củng cố TCCSĐ, trong 10 năm qua, Thành ủy Hà Nội cũng chú trọng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Trong đó, công tác lãnh đạo và bám sát từ cơ sở được coi là yếu tố quyết định của sự thành công.

Là một trong những điển hình về lĩnh vực này, Bí thư Đảng ủy xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) Trương Đức Long cho biết: Thời gian qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một trong những nội dung trọng tâm được Đảng ủy xã tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, Đảng ủy xã chú trọng tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng và đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, đã tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và lan tỏa đến Nhân dân.

Theo ông Trương Đức Long, công tác GPMB là một trong những nhiệm vụ được coi là rất khó. Tuy nhiên, Đảng ủy xã đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đảng viên các chi bộ, giải thích các chính sách liên quan và tổ chức thảo luận với Nhân dân để tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã thực hiện 35 dự án với diện tích đất thu hồi GPMB 140ha nhưng người dân đều đồng thuận, không xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp. Còn trong công tác vệ sinh môi trường, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đến nay Nhân dân trong xã đã ủng hộ 3.000 ngày công để trồng hơn 1.000 cây sấu, 8.000m2 hoa, tạo thành một thảm hoa rực rỡ trên các tuyến đường…