Hà Nội dự kiến chi 246 tỷ đồng phát triển các giống bưởi đặc sản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến kinh phí thực hiện gần 246 tỷ đồng cho phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký ban hành Quyết định số 5343/QĐ-UBND ngày 30/11/2020, về “Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.

Mô hình bưởi an toàn tại xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ.

Theo quyết định, trong 5 năm (2021 - 2025), Hà Nội sẽ tập trung xây dựng hình thành, phát triển các vùng trồng bưởi hàng hóa theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và xuất khẩu.

Cụ thể, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, trồng mới 200ha bằng các giống bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi Thồ Bạch Hạ; 100% diện tích trồng bưởi theo hướng an toàn, trong đó 30 - 40% diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…

TP cũng sẽ xây dựng 2 - 3 cơ sở trồng bưởi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và duy trì từ 3 nhãn hiệu tập thể trở lên; cấp 2 - 3 mã số toàn cầu truy xuất nguồn gốc cho các vùng trồng bưởi tập trung.

Dự kiến kinh phí thực hiện gần 246 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP hỗ trợ gần 84,5 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của các tổ chức, cá nhân.

UBND TP giao Sở NN&PTNT Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã trên địa bàn TP triển khai thực hiện kế hoạch trên.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, toàn TP có 5.700ha trồng bưởi, sản lượng đạt trên 62.000 tấn/năm. Cùng với bưởi Diễn, Hà Nội còn nhiều giống bưởi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao như bưởi Tam Vân, bưởi đường Hiệp Thuận, bưởi thồ Bạch Hạ, bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương, bưởi tôm vàng Đan Phượng…

Do trồng xen nhiều giống bưởi khác nhau nên các vùng bưởi của Hà Nội luôn cho năng suất cao, đạt trung bình từ 20 - 22 tạ/ha. Đặc biệt, các giống bưởi này có thời gian thu hoạch dài từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau nên đáp ứng yêu cầu rải vụ và tiêu thụ quả.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội, chuyển đổi sang các cây trồng chất lượng cao, những năm qua, bưởi là cây trồng được nhiều địa phương trên địa bàn TP chọn lựa và phát triển hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần