Hà Nội: Được thí điểm cơ chế đặc thù về cải tạo nhà chung cư cũ

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung chính sách nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ. 2 địa phương là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đề xuất chọn thí điểm cơ chế đặc thù.

Theo đại diện Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị của UBND TP Hà Nội về việc tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng và thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung và Đề án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, nguy hiểm trên địa bàn.
Cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ cần hài hòa lợi ích các bên (trong ảnh: khu tập thể cũ phố 8/3, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Có 3 khó khăn lớn trong cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, đó là quy hoạch hạn chế chiều cao; mật độ các công trình nội đô, nguồn lực trong việc tái định cư cho người dân và việc sở hữu chồng chéo của người dân tại các chung cư cũ. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư dự kiến trình Chính phủ ban hành vào quý II/2021.
Vì vậy, các vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của TP Hà Nội nêu trong Đề án, Bộ Xây dựng ghi nhận để tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP.
“Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung chính sách nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ. Hai địa phương là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đề xuất chọn thí điểm cơ chế đặc thù” - đại diện Cục quản lý nhà và thị trường BĐS cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện thành công đề án xây dựng và cải tạo lại chung cư cũ tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì cần phải đảm bảo các tiêu chí về quy hoạch, chiều cao. Trong khi đó, muốn huy động được nguồn lực từ tư nhân tham gia đầu tư cần phải có phương án để đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, chuyên gia Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho rằng, nhà chung cư - tập thể cũ được hình thành từ trước những năm 90 của thế kỷ trước, thể hiện chính sách của Đảng, Nhà nước ưu tiên cho cán bộ, công nhân viên chức. Nhưng hiện nay, nguồn ngân sách không đủ để thực hiện theo hình thức bao cấp như vậy nữa, nên muốn cải tạo sửa chữa buộc phải huy động nguồn lực đầu tư tư nhân, nhưng cũng phải đảm bảo sự đồng thuận, hài hòa về lợi ích giữa các bên: Nhà nước, DN và người dân.
“Tôi ủng hộ việc các doanh nghiệp tham gia đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ. Nhưng cần phải giải quyết thấu đáo vấn đề về lợi ích của cả người dân đang sinh sống tại các khu chung cư, nhà tập thể cũ. Không  vì lý do cấp thiết cần cải tạo, xây dựng lại mà có thể cho người đầu tư những đặc quyền, đặc lợi vượt trên lợi ích chung của cả cộng đồng” - ông Trần Huy Ánh nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần