Hà Nội: Gần 10 năm ông chủ dự án bất động sản đi tìm công lý

Minh Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Nguyễn Đình Bang - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Trường Sinh, chủ đầu tư “Dự án nhà ở và khu thương mại dịch vụ Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội”. Năm 2009, vì lý do sức khỏe ông đã tìm đối tác để nhượng lại cổ phần công ty. Thế nhưng chính quá trình sang nhượng cổ phần đã đẩy ông vào trại tạm giam gần 6 năm trời, và suốt gần 1 thập kỷ miệt mài đi tìm công lý để kêu oan cho chính mình.

 Phiên tòa xét xử vụ án, ngày 16/9/2019
Có dấu hiệu hình sự hóa
Sự việc bắt đầu từ năm 2007, khi ông Nguyễn Đình Bang cùng với ông Duy Đức Tuấn chung tiền mua cổ phần của Công ty TNHH Trường Sinh. Công ty Trường Sinh được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 6.300m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc An Khánh. Tại dự án Bắc An Khánh, ông Bang và ông Tuấn sở hữu 50% cổ phần; 50% cổ phần còn lại là của Công ty ADIS do ông Nguyễn Kim Hải làm giám đốc.
Cuối năm 2009, ông Nguyễn Kim Hải thoả thuận với ông Bang để bán 50% của ông Hải tại dự án Bắc An Khánh và 30% của ông Bang, tổng cộng bán ra là 80% cổ phần (không bao gồm cổ phần của ông Tuấn).
Ngày 17/10/2009 ông Bang và Công ty ADIS đã họp và cùng ký bản thoả thuận về việc đồng ý chuyển nhượng cổ phần của Công ty ADIS và của ông Bang cho ông Nguyễn Huy Khang. Ngày 23/10/2009, ông Hải đưa Nguyễn Huy Khang, cũng là bị cáo trong vụ án (người mua cổ phần) đến địa chỉ số 79 Hàng Bồ gặp ông Bang, để cùng ký kết hợp đồng số 09 về việc chuyển nhượng 80% cổ phần nói trên.
Ba bên thống nhất chỉnh sửa hợp đồng chuyển nhượng bằng một phụ lục hợp đồng với nội dung: Chỉ bán cổ phần của ông Bang và ông Hải, không bán phần của ông Tuấn. Sau khi ký kết hợp đồng thì ông Khang đặt cọc cho ông Hải 500 triệu đồng và đặt cọc cho ông Bang 300 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Khang đã chuyển cho ông Hải gần 4 tỷ đồng (tất cả đều có chứng từ).
Tháng 3/2010, ông Hải và ông Bang đã tiến hành ký thanh lý hợp đồng chuyển nhượng số 09 ký ngày 23/10/2009 với lý do ông Khang không thanh toán tiền theo đúng tiến độ đã quy định trong hợp đồng.
Ngày 15/4/2010, ông Khang thông báo cho ông Bang biết đã chuẩn bị đủ tiền và muốn tiến hành việc mua lại cổ phần. Ngày 16/4/2010, ông Khang cùng một người nữa đến địa chỉ số 79 Hàng Bồ gặp ông Bang để làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần. Sau khi thống nhất các điều khoản, ông Bang yêu cầu ông Khang chuyển 19 tỷ đồng vào tài khoản của ông Bang tại ngân hàng Techcombank bao gồm 4,05 tỷ đồng tiền mua cổ phần và 15 tỷ đồng tiền ông Khang trả nợ vay ông Bang trước đây. Sau khi ông Bang nhận đủ tiền thì hai bên thống nhất làm thủ tục chuyển nhượng.
Sau khi ký xong, ông Bang đã bàn giao cho ông Khang: 01 sổ đỏ, 01 con dấu công ty, 01 Đăng ký kinh doanh và các giấy tờ liên quan đến Công ty Trường Sinh. Trong biên bản bàn giao có ghi rõ: "Ông Khang chỉ được phép sử dụng con dấu để làm các thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc sang tên người đại diện theo pháp luật cho Công ty Trường Sinh". Ngoài ra trong hợp đồng còn ghi rõ “ông Khang không được sử dụng con dấu vào bất cứ việc gì khác khi chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư công nhận”.
Sự việc chuyển sang một hướng khác khi vào đầu tháng 6/2010, ông Khang bất ngờ nhận được “giấy triệu tập” của Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội). Nội dung việc triệu tập là nhằm làm rõ đơn tố cáo của ông Thái Khắc Toàn (là người đi cùng ông Khang đến nhà ông Bang ngày 16/4/2010) tố cáo ông Bang và ông Khang lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi làm việc với Công an quận Đống Đa, ông Bang mới biết qua các mối quan hệ, ông Khang gặp ông Thái Khắc Toàn - Phó giám đốc Công ty Huy Phát. Ông Khang tự nhận là Gíam đốc Công ty Trường Sinh và đặt vấn đề huy động vốn vào dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh. Nếu ông Toàn góp 18 - 22 tỷ đồng, Công ty Huy Phát sẽ được tham gia dự án.
Ông Toàn được ông Khang cho xem mọi giấy tờ liên quan và dẫn đi xem nhà xưởng ở khu An Khánh. Ông Thái Khắc Toàn sau đó đã thuê Văn phòng luật sư Việt Luật soạn thảo hợp đồng góp vốn ngày 8/4/2010 với ông Nguyễn Huy Khang (trong nội dung hợp đồng được ghi “góp vốn với Công ty Trường Sinh do ông Nguyễn Huy Khang làm Giám đốc”) dù biết rõ ông Khang chưa phải là giám đốc Công ty Trường Sinh. Ông Toàn sau khi ký hợp đồng góp vốn và thỏa thuận với ông Khang đã chuyển 19 tỷ đồng vào tài khoản của ông Bang và đưa 3 tỷ đồng, 17.000 USD tiền mặt cho ông Khang, đồng thời nhận quản lý toàn bộ giấy tờ của Công ty Trường Sinh: Con dấu, đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (dự án) và cùng ông Khang đến Phòng ĐKKD để thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Trường Sinh từ ông Nguyễn Đình Bang sang ông Nguyễn Huy Khang.
Sau khi không thấy dự án tiến triển, ông Toàn đòi lại tiền và làm đơn tố cáo ông Nguyễn Huy Khang và ông Nguyễn Đình Bang ra Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Vụ án xử 10 năm vẫn chưa có hồi kết
Quá trình điều tra, thụ lý kéo dài, suốt từ tháng 8/2010, sau nhiều lần lần mở phiên tòa bất thành, phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung vì nhiều tình tiết, chứng cứ bị bỏ sót hoặc không được xem xét đúng quy định của pháp luật. Tháng 11/2016 Tòa án nhân dân TP Hà Nội mới đưa được vụ án ra xét xử sơ thẩm. Theo đó, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Khang 18 năm tù, bị cáo Nguyễn Đình Bang 16 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sau khi án sơ thẩm được tuyên, các bị cáo kháng cáo. Ngày 12/10/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm. Bản án phúc thẩm số 683 ngày 13/10/2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, xét xử lại.
Bản án phúc thẩm số 683 ngày 13/10/2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, ông Bang và ông Toàn không có quan hệ quen biết nhau. Việc ông Khang và ông Toàn ký hợp đồng góp vốn, ông Bang không biết và không được ai báo cho biết.
Việc chuyển tiền vào tài khoản của ông Bang, không ai báo trước cho bị cáo... Trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện ông Khang cùng ông Bang bàn bạc, thống nhất ý chí để cùng thực hiện hành vi phạm tội. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Bang nói sẽ trả lại số tiền này và yêu cầu trả lại giấy tờ tài liệu, sổ đỏ, dự án và hủy hợp đồng mua bán để bảo đảm an toàn cho mình nhưng không được xem xét giải quyết.
Vì vậy, tòa cấp phúc thẩm cho rằng cần xem xét lại ý thức đồng phạm của ông Bang trong vụ án này. Tòa cũng xác định “Dự án nhà ở và khu thương mại dịch vụ Bắc An Khánh là dự án có thật, hiện dự án vẫn đang tồn tại và chưa bị thu hồi”.
Về nội dung đơn tố cáo của ông Thái Khắc Toàn, bản án phúc thẩm nhận định, các lời khai của ông Toàn tại Công an quận Đống Đa có nhiều điểm mâu thuẫn với các lời khai tại Cơ quan điều tra - Công an TP Hà Nội, và mâu thuẫn với các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, nhưng những mâu thuẫn này không được đề cập xử lý.
Cũng theo kết luận tại bản án phúc thẩm, bản án sơ thẩm hầu như không xem xét đánh giá chứng cứ thu thập tại Công an quận Đống Đa. Điều này vi phạm nguyên tắc phải đánh giá đầy đủ toàn diện các chứng cứ liên quan đến vụ án. Những sai sót trên của cấp sơ thẩm không thể khắc phục ở cấp phúc thẩm.
Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, Cơ quan cản sát điều tra Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra lại vụ án theo quy định của pháp luật. Ngày 14/5/2019 Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội ra quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân TP Hà Nội để xét xử đối với các bị can Nguyễn Huy Khang, Nguyễn Đình Bang về tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 139 BLHS năm 1999.
Vừa qua, ngày 16/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ra xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Huy Khang và Nguyễn Đình Bang.
Tại phiên tòa này, bị cáo Nguyễn Đình Bang đã cung cấp cho tòa 6 đoạn video, và các tài liệu được cho là cuộc trao đổi giữa bị cáo và nguyên điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án đến xin lỗi và bày tỏ sự ân hận vì đã làm oan cho bị cáo. Theo bị cáo Bang, những đoạn video này nói lên bản chất của vụ án với những khai báo không đúng sự thật, tạo dựng chứng cứ để làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Trước những chứng cứ mới mà bị cáo Bang cung cấp, TAND TP Hà Nội đã tạm dừng xét xử để hội ý. Sau khi hội ý, TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ để điều tra làm rõ các chứng cứ mới của vụ án.
Như vậy là sau gần một thập kỷ, từ lúc bị khởi tố bắt tạm giam gần 6 năm trời với hàng chục phiên tòa, nay các bị cáo vẫn phải tiếp tục sống trong lo âu chờ đời. Ông Bang từng tâm sự: “Tôi nhập ngũ ngày 4/9/1969, bị thương tại Tây Nguyên ngày 21/12/1971 và xuất ngũ tháng 10/1973. Trước khi bị bắt tạm giam (tháng 12/2010), tôi được hưởng trợ cấp thương binh hạng 4/4. Từ đó đến nay, tôi bị cắt chế độ thương binh. Hiện nay sức khỏe tôi đã yếu, vết thương sọ não liên tục hành hạ. Trong vụ án này tôi thật sự là nạn nhân. Tôi chỉ mong Tòa án Cấp cao xem xét lại toàn bộ vụ án để minh oan cho tôi”.
Công cuộc cải cách tư pháp trong những năm gần đây được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và được đặt trong mối quan hệ với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực tư pháp theo hướng công khai, minh bạch, nguyện vọng của ông Nguyễn Đình Bang là chính đáng, cần phải được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét để bảo đảm xét xử theo đúng quy định của pháp luật, không để án quá hạn theo luật định và đặc biệt là không để bị kết án oan người vô tội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần