Hà Nội: Gần 50% xã, phường có dịch tả lợn châu Phi qua 30 ngày

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu tháng 7/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn TP có chiều hướng thuyên giảm. Tính đến ngày 11/8, đã có 221 xã, phường (chiếm 49,4% tổng số xã phường có dịch) thuộc 24 quận, huyện trên địa bàn TP dịch bệnh đã qua 30 ngày mà không phát sinh.

Hà Nội đã tiêu hủy 26,9% tổng đàn lợn vì dịch tả châu Phi
Cụ thể, trong tuần (5 - 11/8), DTLCP phát sinh mới tại 175 hộ, cơ sở chăn nuôi, 4 thôn; làm mắc bệnh, tiêu hủy 5.240 con với trọng lượng 314.380kg. So với tuần trước (29/7 - 4/8), dịch bệnh phát sinh tăng hơn 38 hộ, cơ sở chăn nuôi và số lợn hủy tăng 2.847 con.
Tính lũy kế từ tháng 2 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 28.844 hộ chăn nuôi (chiếm 35,7% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.320 thôn, tổ dân phố/447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 504.186 con (chiếm 26,9% tổng đàn), với trọng lượng 34.645 tấn. Trong đó, tổng số lợn nái, đực giống phải tiêu hủy là 66.022 con, chiếm 13 % tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn TP.
Công tác phòng, chống DTLCP đã được Thành ủy, UBND TP đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống ngay từ khi có thông tin về dịch. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm, số lợn tại hộ có dịch cơ bản được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch.
UBND TP đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch. Ngoài các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà; TP và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 243,8 tấn hóa chất và 8.228 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao.
Đến nay, đã có 221 xã, phường (chiếm 49,4% tổng số xã phường có dịch) thuộc 24 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cần thành lập, tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương, cơ sở đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương, đơn vị (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân… khi cần thiết) trong công tác phòng, chống, xử lý bệnh dịch.
Phát hiện và xử lý nghiêm theo quy dịnh của pháp luật các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống, xử lý dịch bệnh; các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong việc kê khai, trọng lượng tiêu hủy và thanh toán kinh phí hỗ trợ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần