Hà Nội gắn kết với Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai thành một điểm đến

Hồng Hạnh - Ảnh: Thái Trung Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/5, tại TP Đà Lạt,Lâm Đồng, đại diện Lãnh đạo Sở Du lịch, Sở VHTT&DL 4 tỉnh, TP gồm Hà Nội, Lâm Đồng, Đắk Lắk, và Gia Lai đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2017 – 2020.

 Lãnh đạo 4 Sở Du lịch, Sở VHTT&DL ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2017 – 2020, ngày 14/5. Ảnh: Thái Trung Thành.
Hoạt động này nhằm phối hợp nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để tăng cường tổ chức hoạt động phát triển du lịch. Đồng thời, liên kết, phát huy tối đa sức sáng tạo, chủ động của các cơ quan quản lý, các DN, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch để phát triển thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và xây dựng các tour, tuyến du lịch liên vùng hoàn chỉnh, hấp dẫn nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế. Và, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, đề cao sự hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin trong giải quyết công việc quản lý nhà nước về du lịch giữa Sở Du lịch, Sở VHTT&DL 4 tỉnh, TP.
Theo đó, trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, 4 địa phương sẽ phối hợp thực hiện 7 nội dung chính gồm: Thứ nhất, cùng nhau trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn. Thứ hai, phối hợp triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ quản lý lữ hành, vận chuyển, lưu trú, tài nguyên và các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tổ chức khảo sát, kiểm tra việc thực hiện Chương trình hợp tác tại các địa phương. Thường xuyên và định kỳ hàng quý trao đổi thông tin về: kết quả hoạt động kinh doanh du lịch; các sản phẩm du lịch mới; thị trường khách; tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; các hiện tượng tiêu cực, vi phạm trong hoạt động du lịch, đặc biệt về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên, vận chuyển và các thông tin liên quan.
Thứ 3, phối hợp tuyên tuyền, quảng bá, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước với các nội dung cụ thể, gắn với nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường. Chủ động đón các đoàn lữ hành lớn tại các thị trường trọng điểm, các đoàn báo chí, phóng viên quốc tế đến khảo sát sản phẩm, viết bài, tuyên truyền quảng bá về du lịch các địa phương.
Thứ 4, liên kết, hợp tác kết nối tour đón khách du lịch từ các tỉnh, thành phố trong nước, Thủ đô, thành phố các nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ đến các địa phương và ngược lại với tinh thần “Bốn tỉnh, thành phố - Một điểm đến”. Liên kết, hợp tác phải có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kết nối ba bên giữa nhà quản lý với các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển (đường hàng không, đường bộ, đường thủy), lưu trú, nhà hàng và các khu, điểm du lịch để tăng tính hấp dẫn, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút và đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của khách du lịch khi đến với các địa phương.
 Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng (ngoài cùng bên trái) tặng quà lưu niệm cho đại diện lãnh đạo 3 Sở Du lịch, Sở VHTT&DL Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai. Ảnh: Thái Trung Thành.
Thứ 5, phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch và cán bộ quản lý du lịch của các địa phương. Thứ 6, tham gia các sự kiện du lịch, các hoạt động quảng bá xúc tiến, hội chợ tại các thị trường du lịch trong nước và quốc tế lớn do các địa phương tổ chức. Hàng năm, Sở Du lịch, Sở VHTT&DL 4 tỉnh, TP nghiên cứu để luân phiên phối hợp tổ chức từ 1 - 2 chương trình, sự kiện du lịch chung.
Thứ 7, phối hợp kiểm tra, quản lý các hoạt động đầu tư, khai thác phát triển du lịch ở các vùng giáp ranh; kiểm tra, hướng dẫn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn cho khách du lịch tại các địa phương.
Cùng với đó, 4 địa phương sẽ phối hợp hỗ trợ các DN, tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến du lịch. Trong đó, các nhiệm vụ chính là bảo trợ cho Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch thuộc Sở, Hiệp hội Du lịch các địa phương liên kết hợp tác phát triển du lịch theo khả năng và nhu cầu thực tế. Đồng thời, hỗ trợ các nhà đầu tư, các DN, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thực hiện các thủ tục hành chính; thủ tục cấp visa; liên kết, xây dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, dịch vụ chuyên nghiệp. Thủ đô Hà Nội có vai trò là trung tâm kết nối các tour, tuyến du lịch quốc tế và các tour, tuyến du lịch với các tỉnh, TP trong nước đảm bảo chất lượng cao, có sức cạnh tranh để phân phối khách du lịch đến với các địa phương.
Hàng năm, các địa phương có kế hoạch tổ chức cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư lớn trên địa bàn tìm hiểu các cơ hội, thực hiện các dự án phát triển du lịch các địa phương bạn, tập trung vào các dự án phát triển du lịch, khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí… Tổ chức, trao đổi các đoàn famtrip, presstrip nhằm khảo sát, học tập kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư giữa các địa phương; hợp tác xúc tiến trao đổi khách du lịch giữa các địa phương thông qua việc kết nối hoạt động của các DN du lịch. Các địa phương chủ động tổ chức gặp gỡ, trao đổi nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động phát triển du lịch.
Việc phối hợp hỗ trợ khách du lịch cũng là một trong những nhiệm vụ chính được 4 tỉnh, TP đề ra trong Chương trình ký kết này. Do đó, các địa phương sẽ bố trí các điểm cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ khách du lịch. Hướng dẫn khách du lịch ứng xử văn minh khi đi du lịch tại các địa phương, góp phần xây dựng môi trường du lịch an ninh, an toàn, thân thiện, văn minh. Cung cấp mạng Wifi miễn phí tại các khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch và một số khu, điểm du lịch của 4 tỉnh, TP; bổ sung hoàn chỉnh hệ thống thông tin hướng dẫn du khách, các cơ sở dịch vụ tại các khu, điểm du lịch…
Để chương trình ký kết đạt hiệu quả, 4 tỉnh, TP đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ các nguồn lực cần thiết phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi tỉnh, TP.