Hà Nội ghi nhận thêm gần 1.300 người nhiễm HIV

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/11, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ tổ chức, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Lã Thị Lan đã thông tin về kết quả công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn TP Hà Nội.

 Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Lã Thị Lan thông tin tại hội nghị.
Theo bà Lã Thị Lan, tính đến ngày 31/10/2020, Hà Nội đã phát hiện được 29,931 ca nhiễm HIV qua các năm (chiếm 9,6% số người nhiễm HIV của cả nước và là địa phương có số người nhiễm lớn thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh). Tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS trên 100.000 dân: 294 người/100.000 dân và đứng thứ 12 so với cả nước. Số người nhiễm HIV tử vong tích lũy là 6.222 ca. Số người nhiễm HIV còn sống 23.709 (cao nhất tại quận Đống Đa và thấp nhất tại huyện Quốc Oai).
Trong 10 tháng đầu năm 2020, Hà Nội ghi nhận thêm 1.263 trường hợp nhiễm HIV (giảm so với cùng kỳ năm 2019). Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện năm 2020 chủ yếu là nam giới 78,7%;  độ tuổi từ 15-25 chiếm 26,3% (tăng 8,1% so với năm 2010). Đường lây nhiễm qua quan hệ tình dục tiếp tục gia tăng, từ 22,5% (năm 2010) lên 74,5% (năm 2019) và 72,6% (10/2020). Tỷ lệ lây qua đường máu giảm từ 70,5% (năm 2010) xuống 16,9% (năm 2020). Hai nhóm phát hiện nhiều nhất 10 tháng năm 2020 là Vợ/chồng/bạn tình người nhiễm HIV (35,2%) và quan hệ tình dục đồng giới (MSM) 33,1%. Nhóm tiêm chích ma túy chỉ còn 13,1%.
Trong khi đó, tính đến ngày 31/10/2019, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống tại Việt Nam 211.981 người và bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong 103.462 người. Còn 10 tháng năm 2019, cả nước đã phát hiện được 8.479 người nhiễm HIV và 1.496 người nhiễm HIV tử vong. Số mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (40,1%) và 30-39 (33,8%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (67,2%), qua đường máu (16,6%), mẹ sang con (1,8%) và còn lại không có thông tin đường lây truyền. 
Cũng theo bà Lã Thị Lan, trong năm 2021, Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS và thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2021 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế). Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% và giảm tác động của HIV đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ngoài ra, tăng cường thu dung bệnh nhân đạt công năng tối thiểu 250 bệnh nhân/cơ sở và phấn đấu cho 6.500 người nghiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn TP.
Đáng chú ý, trả lời câu hỏi của báo chí việc truyền thông về HIV/AIDS được nêu trong phim “Lửa ấm” đang chiếu trên kênh VTV1 sai lệch so với thực tế, bà Lã Thị Lan cho biết, rất buồn khi xem một số phân cảnh trong phim. Cụ thể, trong phân cảnh người lính PCCC khi bế người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện thì được bác sỹ thông báo bị phơi nhiễm HIV. Đây là một chi tiết sai vì không phải cứ tiếp xúc với máu của người nhiễm là phơi nhiễm.
Đối với một chi tiết trong phim nêu về cách xử lý phơi nhiễm, bà Lã Thị Lan cho biết bị sai một cách nghiêm trọng. Theo đó, trong phân cảnh bác sỹ đưa kết quả của bệnh nhân bị dương tính thì các bác sỹ có trao đổi bị phơi nhiễm HIV và phải cách ly 2 ngày để phòng lây nhiễm ra cộng đồng… Từ đó, bà Lan cho rằng, nhiều chi tiết trong phim đã xác định sai thế nào là phơi nhiễm HIV và xử lý phơi nhiễm. Bởi, nếu cứ tiếp xúc với máu của người bị tai nạn giao thông mà nhiễm thì sau này nếu có ai gặp người bị tai nạn giao thông ngoài đường thì liệu họ có dám cấp cứu hay không? Còn đối với cách xử lý phơi nhiễm, các cơ quan chức năng đã xử lý truyền thông ngay từ đầu và qua rất nhiều lớp tập huấn tuy nhiên những chi tiết trong phim lại cho thấy sai về mặt chuyên môn rất nghiêm trọng và điều này sẽ làm cho cộng đồng sợ HIV.