Hà Nội: Giảm 11.221 biên chế không hưởng lương từ ngân sách trong giai đoạn 2018-2020

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (23/10), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức giao ban báo chí thường kỳ nhằm thông tin về kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP 9 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018.

Tại đây, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa cho biết: Công tác CHCC của TP 9 tháng qua đã có nhiều chuyển biến rõ nét, triển khai đồng bộ trên mọi nội dung, được T.Ư đánh giá cao. Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành được TP triển khai quyết liệt, tập trung vào các giải pháp gỡ khó và tạo điều kiện cho DN, nâng mức độ hài lòng của người dân và DN với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. TP tích cực đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); cắt giảm điều kiện, thủ tục, thời gian; tiết kiệm chi phí giải quyết TTHC cũng như tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, ứng dụng phát triển CNTT, triển khai dịch vụ công (DVC) mức độ 3, 4 phục vụ nhu cầu giao dịch của DN và dân sinh.
 Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại buổi giao ban báo chí Thành ủy ngày 23/10..
Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành quy định, chính thức triển khai áp dụng mô hình cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng DVC tại các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), DN, HTX tại TP. Bên cạnh đó, TP cũng tích cực đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở mọi cấp, ngành; cơ bản sắp xếp xong các đơn vị SNCL thuộc TP; tổ chức lại đơn vị SNCL thuộc cấp huyện theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp thực tiễn.
Cụ thể, TP 9 tháng qua đã ban hành 18 quyết định công bố TTHC, quyết định bãi bỏ 190 TTHC, công bố danh mục 422 TTHC theo quy định; hiện có 1.922 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính thuộc TP. TP cũng đã triển khai thử nghiệm hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP tại 7 đơn vị (các sở Tư pháp, TT&TT, LĐ-TB&XH; các quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Gia Lâm), tiến tới thực hiện kết nối với Cổng DVC quốc gia. Toàn TP đến nay có tổng số 556 DVC mức độ 3, 4, đạt 29%, trong đó 170 DVC mức 4.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế, 9 tháng qua TP đã phê duyệt danh sách và kinh phí tinh giản biên chế 3 đợt đối với 136 công chức, viên chức (CCVC) và người làm lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Đáng chú ý, toàn TP đã chuyển được 106 đơn vị SNCL sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên và hoàn thành phê duyệt danh sách đơn vị SNCL chuyển sang cơ chế tự chủ giai đoạn 2018-2020 là 196/257 đơn vị. Dự kiến cả giai đoạn này, TP sẽ giảm 11.221 biên chế không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, phấn đấu thêm 61 đơn vị tự chủ, đảm bảo mục tiêu theo Nghị quyết 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư.
Trong các tháng cuối năm nay, TP đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh CCHC, trong đó sẽ tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ theo Kế hoạch CCHC năm 2018 của TP gắn với thực hiện chủ đề công tác “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”; tập trung hoàn thành Đề án thí điểm “Mô hình chính quyền đô thị”.
Trước câu hỏi liệu Chỉ số CCHC và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội nay có thể được cải thiện hơn trước, ông Hoa nhấn mạnh, việc nâng cao những chỉ số này phải do nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Cũng theo ông Hoa, việc triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử của CBCCVC TP là trách nhiệm của từ người đứng đầu đến cả tập thể CBCCVC các đơn vị, và TP đã đưa nội dung này vào đánh giá thi đua hàng tháng. Tại Nghị quyết 56 của Quốc hội và quyết định giao biên chế năm 2018 của UBND TP cũng đã giao các cơ quan hành chính dừng sử dụng lao động hợp đồng thực hiện công tác chuyên môn, nên Sở đang rà soát tổng hợp lại toàn bộ nhu cầu số công chức còn thiếu so với số biên chế được giao theo quy định, để báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần