Hà Nội: Giám sát chặt sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì sức khoẻ cộng đồng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/4, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TP tổ chức hội thảo “An toàn trong sản xuất, kinh doanh vì sức khoẻ cộng đồng”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Ngô Đình Loát phát biểu tại hội thảo
Vấn đề an toàn thực phẩm hiện đang được xã hội đặc biệt quan tâm, bởi thực phẩm không an toàn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nguồn thực phẩm không an toàn là do sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức và đạo đức nghề nghiệp của người tham gia sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cho biết, là tổ chức chính trị - xã hội với số lượng hội viên phụ nữ đông đảo, những năm qua, tổ chức hội đã tích cực đẩy mạnh Cuộc vận động Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng. Vận động hội viên cam kết chấp hành các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm.
Hội cũng phối hợp với các sở ngành, địa phương xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình thực hiện an toàn thực phẩm có hiệu quả. Có thể kế đến như: Thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong khai thác sữa bò tươi, Điểm phân phối thực phẩm an toàn, Chi hội phụ nữ ăn sạch – sống xanh…
Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Thủ đô thăm quan gian trưng bày hàng hoá nông sản bên lề hội thảo
Cùng với các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội – đơn vị được Sở NN&PTNT giao chuyên trách trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng đã chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Kết nối người tiêu dùng, trong đó có các hội viên phụ nữ Thủ đô với các đơn vị cung ứng thực phẩm an toàn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, cùn với đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, Chi cục cũng tiến hành giám sát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh của các cơ sở. Từ đó, kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn, có sự điều chỉnh, đặc biệt là nghiêm khắc xử lý các trường hợp có vi phạm về an toàn thực phẩm. 
Theo ông Ngô Đình Loát, với sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như các sở ngành, địa phương, nhìn chung, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dù vậy, an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề rất nóng của xã hội, đòi hỏi tiếp tục có sự tham gia, chung tay của cả cộng đồng, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức Hội phụ nữ TP...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần