Hà Nội giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão số 3

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão số 3 đã gây mưa vừa, mưa to đến rất to cho các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ. Cùng với các địa phương, Hà Nội đang chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão có thể gây ra.

Ghi nhận cho thấy, sáng nay, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5 - 10km. Dự kiến khoảng cuối giờ chiều nay, bão sẽ tiệm cận đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão số 3, trong 3 ngày qua, Hà Nội đã có mưa. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy, từ chiều và đêm nay (2/8), Hà Nội sẽ có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi trên 250mm. Từ chiều tối nay, có gió manh dần lên cấp 5, giật cấp 6 - 7.
Đường đi của bão số 3 
Ngay từ khi có thông tin bão số 3, ngày 31/7/2019, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã phát đi Công điện số 02/CĐ-BCH đề nghị các sở ngành, các địa phương tập trung triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3. Phó Trưởng Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm là không chủ quan và sẵn sàng ứng phó với các tình huống của bão số 3 trên phương châm “4 tại chỗ”. Trong nội dung công điện, TP cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở ngành theo chức năng, nhiệm vụ.
Đặc biệt, trước nguy cơ bão số 3 đổ bộ đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng và tác động trực tiếp đến Hà Nội, ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND. Theo đó, lãnh đạo TP yêu cầu Giám đốc các sở ngành, thủ trưởng các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ, chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình cơ sở, chỉ đạo ứng phó kịp thời với bão số 3.
Một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo TP nhấn mạnh là chủ động lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống để sẵn sàng hỗ trợ cho người dân vùng thiên tai. Thường xuyên thông tin, cảnh báo nguy hiểm, phòng chống đuối nước, điện giật. Đồng thời, lên phương án sẵn sàng sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn về người và tài sản của Nhân dân, Nhà nước.
 Cắt tỉa cây xanh bảo đảm an toàn cho người dân Hà Nội 
Bám sát chỉ đạo của TP, những ngày qua, các sở ngành, các địa phương cũng đã chủ động ban hành các văn bản và thực hiện các biện pháp nhằm sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bão số 3. Sở Thông tin - Truyền thông có Thông báo số 234/TB-STTTT về việc tập trung triển khai các phương án đảm bảo thông tin liên lạc do ảnh hưởng của bão số 3. Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy thường xuyên tổ chức ứng trực, theo dõi sát diễn biến của bão, đồng thời, lên phương án bảo đảm an toàn cho công trình Cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ) đang thi công dang dở.
Trong khi đó, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội tổ chức cắt tỉa cành cây. Công ty Thoát nước Hà Nội bố trí lực lượng, sẵn sàng tiêu úng nội đô. Công an TP cũng đã lên phương án phân luồng giao thông, bảo đảm việc đi lại thông suốt trong trường hợp mưa lớn… Đặc biệt, riêng Sở NN&PTNT Hà Nội đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo các địa phương đề nghị chủ động, đối phó, phòng chống bão đảm bảo an toàn công trình; cũng như các giải pháp phòng chống úng ngập, bảo vệ mùa màng cho người dân khu vực ngoại thành…
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo TP Hà Nội, các sở ngành và địa phương trên địa bàn là chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ, 5 không”, để ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của bão số 3, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.