Hà Nội tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao trên các lĩnh vực

Hà Bình - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/9, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2018, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.

Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản, Ngô Văn Quý; đại diện các sở, ban, ngành TP; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc TP…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị.
Tăng trưởng đạt 7,17% theo cách tính mới
Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 9 tháng đầu năm 2018 của TP, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; thu hút đầu tư tiếp tục tăng mạnh; các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động tốt, đảm bảo cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh; giá cả hàng hóa và dịch vụ cơ bản ổn định; công nghiệp, thương mại và du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ; nông nghiệp phát triển tốt, hướng vào năng suất, chất lượng…
Theo số liệu ước tính của Cục Thống kê, GRDP trên địa bàn 9 tháng đầu năm tính theo phương pháp mới ước tăng 7,17% (cùng kỳ 6,87%), trong đó: Dịch vụ ước tăng 7,11% (cùng kỳ: 6,48%); Công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,81% (cùng kỳ: 8,18%), trong đó công nghiệp ước tăng 7,7% (cùng kỳ: 7,38%), xây dựng ước tăng 8,1% (cùng kỳ: 10,45%); Nông - lâm - thủy sản ước tăng 3,37% (cùng kỳ: 2,34%); Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,9%, (cùng kỳ: 8,11%).
Trong 9 tháng qua, TP cũng đã ban hành Quyết định thành lập 5 CCN, hoàn thành thẩm định thành lập 6 CCN và đang tổ chức thẩm định 13 CCN. Cung ứng điện năng được đảm bảo tốt, không để thiếu hụt trong những đợt cao điểm.

Thu ngân sách 9 tháng đạt gần 70% dự toán

Ngay từ đầu năm, TP đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, nhất là các khoản nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất… Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP 9 tháng đầu năm ước đạt 166,2 nghìn tỷ đồng, đạt 69,7% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa 151,4 nghìn tỷ đồng, đạt 70% dự toán; Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 12,5 nghìn tỷ đồng, đạt 62,2% dự toán; Thu từ dầu thô đạt 2,3 nghìn tỷ đồng. 

Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 48,7 nghìn tỷ đồng, bằng 51% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển 21,1 nghìn tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán; chi thường xuyên 27,1 nghìn tỷ đồng, đạt 61,5% dự toán. TP đã lập tổ công tác rà soát, đánh giá, kiểm tra toàn diện công tác thi công, giải ngân vốn đầu tư phát triển; xác định nguyên nhân và giải pháp, giao trách nhiệm đến từng chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân.
Thị trường hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng; giá cả thị trường cơ bản ổn định; không xảy ra hiện tượng thiếu hàng và tăng giá đột biến trong các dịp cao điểm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm tăng khoảng 3,94 - 3,98% (cùng kỳ: 3,51%).
Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội cũng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, ước 9 tháng đạt 10,51 tỷ USD, tăng 21,6% (cùng kỳ: 8,7%). Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 22,49 tỷ USD, tăng 6,5%, thấp hơn mức cùng kỳ (22,6%).
Ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhất là khách quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm, TP đã đón 19,7 triệu lượt khách, tăng 9,2%, trong đó 4,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 57,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3%.
Việc thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được TP quan tâm chỉ đạo toàn diện. TP đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, đồng thời tích cực đôn đốc các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, TP đã tổ chức rà soát, phân loại để xử lý các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất chậm triển khai thực hiện gây bức xúc trong Nhân dân.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền, tổng vốn đầu tư xã hội 9 tháng đầu năm ước thực hiện 219,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,265 tỷ USD, gấp 5,4 lần cùng kỳ, tạm vượt lên đứng đầu cả nước. Các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 70 dự án, tổng mức đầu tư 162,7 nghìn tỷ đồng; có 41 dự án điều chỉnh quy mô vốn, tăng 86,3 nghìn tỷ đồng. Đối với các dự án PPP, TP đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 4 dự án, tổng mức đầu tư 14,4 nghìn tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 4 dự án, tổng mức đầu tư 13,9 nghìn tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm 2018. TP tiếp tục duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Số DN thành lập mới ước đạt 18,68 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký 204,53 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và 39% về vốn đăng ký, nâng tổng số DN trên địa bàn lên con số 248,75 nghìn DN.
Đến nay TP có 4 huyện được công nhận huyện nông thôn mới và 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76,16%. Trong số 92 xã còn lại, có 56 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 36 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí, bình quân đạt 18 - 19 tiêu chí/xã. Dự kiến cuối năm 2018, có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 324/386, chiếm 83,94%; có thêm 4 huyện đạt chuẩn, nâng tổng số lên 8 huyện.
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.
Quản lý đô thị tiếp tục được đẩy mạnh
Trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị thời gian qua cơ bản được đảm bảo, phục vụ tốt các dịp lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Giao thông công cộng được quan tâm đầu tư và quản lý. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được duy trì tốt, đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, chiếu sáng công cộng và vệ sinh môi trường. Tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch khu vực 12 quận nội thành đạt xấp xỉ 100%, khu vực ngoại thành đạt 52%. Công tác hạ ngầm được đổi mới theo hướng cho phép DN đầu tư, khai thác các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung. Chương trình trồng 1 triệu cây xanh được đẩy nhanh tiến độ; lũy kế đến nay trồng được 845,4 nghìn cây, đạt 84,5% mục tiêu Chương trình.
Công tác quản lý trật tự xây dựng, kiểm soát chất lượng công trình được tăng cường; quản lý và phát triển nhà ở tiếp tục được TP quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo chung cư cũ.
Hà Nội cũng thực hiện tốt công tác quản lý đất đai trên địa bàn; tiến độ dự án tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai TP được đẩy nhanh. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn và đôn đốc tiến độ giao đất dịch vụ; đến nay đã giao 40.748 hộ, tương ứng 348,75 ha, đạt 63,6%. Các kế hoạch, chương trình, đề án về lĩnh vực môi trường, khoáng sản, tài nguyên cơ bản được triển khai có hiệu quả.
Trong công tác cải cách hành chính có chuyển biến toàn diện; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2017 tăng 02 bậc, xếp thứ 56/63 tỉnh, TP. TP đã vận hành thử nghiệm phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố tại 6 sở, quận, huyện... Đã có 552/1.883 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt 29,3%. TP tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, hợp tác để xây dựng chính quyền điện tử và TP thông minh...
Trong giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, chất lượng được nâng cao, dự kiến cuối năm có thêm 90 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường lên 1.426/2.155 trường, tỷ lệ đạt 66,2%. Đã khảo sát 1.270 trường tiểu học và THCS, xác định 3.720 khu nhà vệ sinh cần cải tạo, nâng cấp, xây mới để có lộ trình thực hiện…
Trong 3 tháng cuối năm, TP Hà Nội xác định sẽ tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế; hoàn thành những nhiệm vụ còn lại trong 188 nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình hành động số 34/CTr-UBND; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2018.
Trong đó, hoàn thành chỉ tiêu thu, chi ngân sách; đẩy mạnh thu ngân sách từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Tập trung đôn đốc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư XDCB. Rà soát, thu hồi các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Tập trung xúc tiến đầu tư vào các dự án lớn, đang trong giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư, khả năng thực hiện cấp phép đầu tư…
 Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông

Xử lý gần 40% vi phạm sử dụng đất nông nghiệp

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, có 745ha đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích, lấn chiếm... với trên 30.800 trường hợp vi phạm. Đến thời điểm này, Sở đã xử lý được 10.248 trường hợp, khắc phục được hơn 279ha, tương đương 37,5% vi phạm; vẫn còn khoảng 465ha đất nông nghiệp bị xâm phạm chưa được xử lý.

Đối với đất nông nghiệp công ích và đất chưa sử dụng, hiện toàn TP còn khoảng 25.925ha. Trong đó có hơn 600ha bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích với 19.531 vi phạm. Công tác xử lý vi phạm thời gian qua đã khắc phục được 163ha, tương đương 24,6% vi phạm, xử lý 5.604 trường hợp.

“Sở cũng đã thành lập 3 đoàn liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn TP. Dự kiến sẽ báo cáo kết quả với UBND TP trước ngày 30/10” - ông Đông cho hay.

Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đã lập kế hoạch thành tra, kiểm tra 161 dự án chậm triển khai, dự kiến đến 31/6/2019 sẽ báo cáo kết quả lên UBND TP; trong đó đợt 1 sẽ tập trung vào 40 dự án. Đến nay Sở TN&MT cũng đã tham mưu cho TP ra 75 quyết định, thu hồi 1.800ha đất đã giao nhưng chậm triển khai dự án; xử phạt 227 trường hợp với 3,7 tỷ đồng.

Lãnh đạo Sở TN&MT cũng kiến nghị TP tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm tình trạng những dự án chậm triển khai, chậm thoả thuận bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án có từ trước năm 2003.

 Quang cảnh hội nghị

Quản lý toàn bộ các nhà thuốc, quầy thuốc bằng phần mềm

Tại hội nghị, báo cáo thêm về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến nay Hà Nội đã có 555 ca mắc sốt xuất huyết, tuy nhiên không có trường hợp nào bị tử vong. Dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp, đặc biệt trên địa bàn 10 quận huyện như: Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai... Ngoài ra toàn TP còn có 625 trường hợp mắc bệnh Sởi; 1.586 ca mắc tay chân miệng.

Lãnh đạo Sở Y tế đề xuất UBND TP chỉ đạo các địa phương tích cực tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường để phòng chống bệnh dịch, đặc biệt là 10 quận nêu trên.

Khẩn trương điều tra vụ việc báo chí nêu về “bảo kê” tại chợ Long Biên

Kinhtedothi - Chiều 28/9, tại Hội nghị giao ban trực tuyển của UBND TP, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu Công an TP khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc báo chí nêu về dấu hiệu “bảo kê” tại chợ Long Biên; yêu cầu lãnh đạo quận Ba Đình kiểm điểm trách nhiệm.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết, ngay sau khi có thông tin báo chí, truyền hình đưa về vấn đề “bảo kê”, bến bãi tại chợ Long Biên, quận đã có văn bản yêu cầu Công an quận, quản quản ý chợ, các ngành kiểm tra và phối hợp thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch giao Công an TP điều tra. Từ ngày 20/9 đến nay, Công an quận và Công an TP đang tích cực điều tra, làm rõ có hay không hành vi “bảo kê”.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ: Những phản ánh của báo chí là có cơ sở. Chủ tịch UBND TP đề nghị về trách nhiệm quản lý nhà nước, Chủ tịch UBND quận Ba Đình báo cáo Bí thư quận ủy khẩn trương chỉ đạo Ban quản lý chợ Long Biên, phòng Kinh tế quận, Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách lĩnh vực cũng Chủ tịch quận, cần kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Thành ủy và UBND trước ngày 5/10.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu quận Ba Đình phải chỉ đạo lực lượng công an quận khẩn trương điều ra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật, không để tình trạng này tái diễn. Đồng thời cùng các lực lượng chức năng hướng dẫn, giám sát các xe chở hàng vào, đảm bảo sắp xếp ổn định tại chợ, không để xảy ra tình trạng cưỡng đoạt.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Công an TP chủ trì cùng công an quận Ba Đình khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, trả lời trước công luận.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thông tin thêm, hiện Bộ Y tế đang triển khai xây dựng các Trạm y tế điểm trên toàn quốc, trong đó Hà Nội có 4 trạm. Cùng với đó công tác kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP cũng đã đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, Sở Y tế đang phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ kết nối toàn bộ các Nhà thuốc trên địa bàn TP để quản lý bằng phần mềm ứng dụng; tới 1/1/2019 sẽ kết nối nốt các quầy thuốc.

Chuẩn bị tốt điều kiện cho Đại hội TDTT

Liên quan đến chính sách giảm nghèo, đại diện Sở LĐTB&XH cho biết: Về triển khai Kế hoạch của TP hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo, tổng kinh phí hỗ trợ gần 200 tỷ đồng cho 4.046 hộ; vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ 50,3 tỷ đồng xây sửa nhà hộ nghèo. Đến hết tháng 8/2018 đã có 4.013/4.046 hộ nghèo được hỗ trợ, đạt 98,4% kế hoạch.

Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động: Sau sự cố diễn ra tại lễ hội âm nhạc điện tử vừa qua, thực hiện chỉ đạo của TP, trước mắt, Sở đã đừng toàn bộ chương trình nhạc điện tử. Nhưng trước thực tế đây là chương trình rất được giới trẻ quan tâm, nên đề nghị các quận, huyện phối hợp với ngành để khi triển khai các sự kiện có sự cam kết ràng buộc chặt chẽ, phối hợp để sự kiện diễn ra an toàn.

Liên quan đến tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc, Hà Nội đã sẵn sàng. Tuy nhiên liên quan đến hạ tầng sân Mỹ Đình, Bộ VHTT&DL không có khả năng cải tạo xong, chính vì vậy Bộ đang tìm địa điểm khác, nhưng hiện chưa có để diễn ra các môn điền kinh.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở VHTT chủ trì phối hợp với các sở kiểm tra tài chính chi thường xuyên, để cân đối kinh phí để sửa chữa sân Mỹ Đình và tổ chức lễ khai mạc, bế mạc mà Hà Nội đã đăng cai tổ chức.

Liên quan đến công tác cải cách hành chính, theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, Hà Nội là đơn vị đầu tiên triển khai chấm điểm cải cách hành chính ở xã phường. Sau triển khai ở 4 quận, huyện, hình thức này được đánh giá tích cực, qua đó rút ra kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế. Sở đã có đề nghị TP triển khai đồng bộ sớm vấn đề này để nâng cao chỉ số cải cách hành chính.

Về sắp xếp lại bộ máy, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trong quý 4, sẽ tiến hành sắp xếp các trường CĐ, TCCN và khối các đơn vị bảo trợ xã hội. Sở LĐTB&XH được giao xây dựng đề án, phối hợp với Sở Nội vụ đã mời các đơn vị để thông báo bước đầu về việc sắp xếp các đơn vị này trên cơ sở những đơn vị chồng chéo về chức năng nhiệm vụ sẽ sáp nhập, giải thể hoặc sáp nhập các đơn vị hoạt động không hiệu quả.

Rà soát đề cải tạo nhà vệ sinh trường học

Nhấn mạnh đến các nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý lưu ý: Hiện nay một địa phương vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp học cục bộ. Đề nghị các quận, huyện rả soát, có đầu tư từ bây giờ để năm học 2019-2020 giải quyết cơ bản thiếu trường, lớp cục bộ. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Chương trình sữa học đường. Quản lý, rà soát và sửa chữa nhà vệ sinh trong trường học để năm học 2019-2020 có 100% nhà vệ sinh đạt chuẩn.         

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cũng đánh giá cao kết qua tăng trưởng của nghành du lịch. Nhưng vấn đề quan trọng là nâng cao chất lượng điểm đến. Trong đó, chọn những điểm đến tiêu biểu để đầu tư, qua đó thu hút khách đến với Hà Nội nhiều lần hơn nữa.

Không có chuyện khoác “đồng phục” cho trụ sở xã, phường

Về xây dựng trụ sở UBND xã, phường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Không có chuyện TP khoác “đồng phục” cho trụ sở các xã, phường như một số báo nêu. Hiện TP có 73 xã, phường đang làm việc ở trụ sở tạm, chưa có trụ sở, liên quan đến vấn đề xây dựng, TP đã yêu cầu Sở QHKT, Sở Xây dựng kiểm tra, để việc xây dựng các trụ sở này có chung một công năng (khác với việc có chung một kiểu kiến trúc), đảm bảo phục vụ đúng chức năng nhiệm vụ, quy mô hoạt động của xã, phường. Đồng thời, trong quá trình thiết lập hồ sơ để xây dựng các dự án phải tính toán đến vật liệu đảm bảo bền vững.

Liên quan đến công tác quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đề nghị các sở tập trung hoàn thiện hồ sơ phê duyệt quy hoạch phân khu H1, quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống; phối hợp với các địa phương triển khai cải tạo các chung cư cũ, đánh giá phát triển nhà ở… Đồng thời, Sở TN- MT phải kiểm tra tất cả các cơ sở có vi phạm về môi trường, xử lý và nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường.

Tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định, cùng với kết quả đã đạt được, hiện vẫn còn một số chỉ tiêu thành phần trong các chỉ tiêu lớn có những khó khăn. Do đó các đơn vị cần có giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu này đảm bảo theo lộ trình, kế hoạch. “Các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thành ủy, TP; Chủ tịch UBND các quận, huyện và các xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra”- Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Chủ tịch UBND TP cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương. Trong đó nhấn mạnh, trong những tháng tới, có rất nhiều sự kiện VHTT lớn diễn ra trên địa bàn, đề nghị Sở VHTT tập trung vào những nội dung thuộc trách nhiệm quản lý; các địa phương nơi diễn ra các sự kiện cần tập trung phối hợp để tổ chức tốt các sự kiện này.

Sở LĐTB&XH được giao chủ trì, phối hợp với các quận, huyện hoàn thành mục tiêu sửa chữa, xây dựng nhà ở cho người nghèo đúng kế hoạch. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc, địa phương cần báo cáo về Sở để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ. Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện đôn đốc, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các khu đấu giá đất, hoàn thành mục tiêu đấu giá đất vào năm 2018 theo đúng lộ trình (theo kế hoạch trong năm 2018 sẽ đấu giá khoảng gần 10 nghìn tỷ). Sở TN-MT chủ trì, đôn đốc các quận, huyện xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ, những khu vực đã xong phải khẩn trương bàn giao đất cho người dân, phấn đấu đến tháng 6/2019 phải hoàn thành toàn bộ mục tiêu giao đất dịch vụ theo chỉ đạo của Thành ủy.

Các quận, huyện rà soát lại các danh mục, các dự án đã giao cho các xã thực hiện, báo cáo về Sở KHĐT để nắm xem có bao nhiêu dự án mà các quận, huyện đã giao cho các xã, phường. Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP lưu ý, các quận, huyện phải báo cáo chính xác về con số nợ đọng xây dựng cơ bản trước 10/10, để có kế hoạch khắc phục, không để tình trạng giao dự án tràn lan.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, đặc biệt là một số dự án có thay đổi quy hoạch và có bổ sung, điều chỉnh nguồn vốn. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và TP trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, 100% đơn vị phải đảm bảo tiến độ giải ngân.

Chủ tịch UBND TP giao Sở TT-TT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, quận Long Biên khẩn trương đề xuất mô hình thí điểm đưa các dịch vụ công của phường, quận cho tư nhân vận hành, để báo cáo Thường vụ Thành ủy, báo cáo Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ, để từ 1/1/2019 sẽ thí điểm tại quận Long Biên với những lĩnh vực đã rõ quy trình, thủ tục. TP chỉ giám sát quy trình, quản lý và phân tích dữ liệu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên cần phải có sự tính toán về địa điểm để cho thuận tiện cho người dân; có thể lựa chọn một vài công ty thực hiện để có sự cạnh tranh.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở Tài chính phối hợp với các sở xây dựng định mức giá liên quan đến xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp; Sở Công thương tổ chức đấu thầu công khai các nhà đầu tư vào các trạm. Về việc khắc phục các nội dung còn thấp trong chỉ số PAPI, tăng tính công khai thông tin về quy hoạch, đất đai, chi tiêu công ở cấp phường xã, Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện, phường, xã phải có báo cáo hàng quý, hàng năm thông tin đến tổ dân phố, để thông tin đến từng nhà dân…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu các địa phương làm tốt công tác chăm lo cho người nghèo, đặc biệt là chăm lo, thăm hỏi người có công, các chức sắc tôn giáo; tổ chức tốt các phong trào bảo vệ an ninh, thể dục thể thao, giao lưu văn hóa để tạo ra sự đoàn kết ở cộng đồng dân cư… 

Dự kiến tăng trưởng năm 2018 đạt 7,35% trở lên
Đánh giá về khả năng hoàn thành chỉ tiêu Kế hoạch năm 2018, báo cáo của TP nhận định: Trên cơ sở các kết quả đạt được 9 tháng đầu năm, đồng thời triển khai quyết liệt các nhiệm vụ còn lại trong 3 tháng cuối năm, dự kiến tăng trưởng GRDP năm 2018 đạt từ 7,35% trở lên, hoàn thành mục tiêu từ 7,3-7,8%; 19/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó 04 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch là: Kim ngạch xuất khẩu (tăng 24,5%; kế hoạch đề ra là 7,5 - 8,0%); Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (giảm 0,3%; kế hoạch là giảm 0,1%); Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm (90 trường; kế hoạch là 80 trường); Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm (30 xã, kế hoạch là 26 xã). Dự kiến 01 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là “Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với cụm đã đi vào hoạt động (đạt 58,1%, kế hoạch là 60,5%).