Hà Nội giữ vững truyền thống đi đầu trong các phong trào thi đua

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948, thấm nhuần tư tưởng và những lời dạy của Người, 70 năm qua, cán bộ và Nhân dân Thủ đô Hà Nội đã không ngừng phát huy sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân xâm lược, người dân Hà Nội luôn đi đầu trong các phong trào thi đua: “Tuần lễ vàng”, “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Bình dân học vụ”,… Tự hào hơn nữa, Hà Nội chính là quê hương của các phong trào: Thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang” đã trở thành những cao trào cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là nền tảng để phát triển các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ sau này.

Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với vị thế và trách nhiệm là “đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục - kinh tế và giao dịch quốc tế” của cả nước, Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống là cái nôi của các phong trào hành động cách mạng, nơi khởi xướng và lan tỏa mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng TP tặng Cờ thi đua của UBND TP cho các tập thể có thành tích trong phong trào thi đua năm 2017. Ảnh: Anh Quý
Từ năm 1990 đến nay, TP đã ban hành mới và sửa đổi, bổ sung 32 văn bản quy phạm pháp luật cùng nhiều văn bản chỉ đạo về thi đua, khen thưởng. Nổi bật là các quy định chung; các quy chế xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo đặc thù của Thủ đô (danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, “Công dân Thủ đô ưu tú”, “Công dân danh dự Thủ đô”, “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”…); Chương trình hành động số 228 về đổi mới công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020; Chương trình số 05 về công tác thi đua khen thưởng của TP giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 115 năm 2017 về khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng. Năm 2015, TP đã phát động Cuộc thi “Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, Người tốt, việc tốt” và được thể chế hóa bằng Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ban hành Quy chế Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và xuất bản sách “Những bông hoa đẹp thành phố Hà Nội”. Bằng giải pháp đột phá này đã thay đổi căn bản tư duy và cách làm trong việc tổ chức thi đua và thực hiện công tác khen thưởng của các cấp, các ngành đi vào thực chất. Qua đó, hướng toàn bộ người dân cùng chính quyền các cấp tham gia phát hiện người tốt, việc tốt, đề xuất khen thưởng, tôn vinh, nêu gương kịp thời để mọi người cùng học tập, làm theo, nhằm lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Trên cơ sở các nội dung, mục tiêu thi đua đề ra, các phong trào thi đua của TP được phát động, tổ chức triển khai tới cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhiều cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Bao trùm trên hết là các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cùng các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, thi đua “An toàn thực phẩm”… luôn được quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh, gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua truyền thống của từng ngành, từng đơn vị. Trong quá trình triển khai, TP và các cấp, các ngành đã chú trọng xây dựng các phong trào, mô hình mang sắc thái riêng, phù hợp với điều kiện và đặc thù của địa phương, đơn vị, đặc biệt là các phong trào, mô hình phát huy được ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng của cán bộ, Nhân dân như phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, “Xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp” , “Tôi yêu Hà Nội”, “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, “Cựu chiến binh Thủ đô giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”, “Cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô Trung thành - Tận tụy - Kỷ cương - Sáng tạo vì Thủ đô bình yên”,...

Đặc biệt, để thực hiện điều mong ước của Bác Hồ lúc sinh thời là Thủ đô ngày càng có nhiều người tốt, việc tốt, theo chỉ đạo và gợi ý của Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng Phạm Văn Đồng nhân dịp về thăm và chúc Tết Nhâm Thân Đảng bộ, Nhân dân Thủ đô - ngày 31/01/1992, Hà Nội đã là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, đồng thời xác định đây là phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt của thời kỳ đổi mới. Theo tinh thần đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể đã tích cực tổ chức thực hiện với nội dung ngày càng thiết thực, gắn với các nhiệm vụ chính trị và các mặt của đời sống xã hội. Với phương châm đổi mới, hiệu quả, đầu năm 2018, TP đã ban hành Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” với tiêu chí rõ ràng, cụ thể, không trùng lặp giữa khen thưởng “Người tốt, việc tốt” với việc bình xét khen thưởng thành tích thực hiện chức năng nhiệm vụ, đồng thời với việc đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thủ tục xét khen thưởng đã tạo sự thay đổi lớn trong việc tổ chức phong trào. Đến nay, qua 26 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” đã xuất hiện nhiều gương lao động sáng tạo, nhiều mô hình, giải pháp hay trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới, những hành động dũng cảm, việc làm thiện nguyện, nghĩa cử cao đẹp của cán bộ và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.

Với vị thế là Thủ đô - trái tim của cả nước, đồng thời để tôn vinh được những tấm gương tiêu biểu nhất với ý nghĩa là hạt nhân của phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; TP đã ban hành Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Đây là danh hiệu cao quý nhất của TP để ghi nhận, tôn vinh những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước từ năm 2010. Hàng năm, các cấp, các ngành lựa chọn 10 tấm gương nổi bật nhất trong số điển hình tiến tiến, người tốt việc tốt đã được phát hiện và ghi nhận, đại diện tiêu biểu cho từng ngành, từng lĩnh vực hoạt động công tác và đời sống xã hội để TP tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Và đã thành truyền thống, hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10), TP tổ chức tổng kết phong trào "Người tốt, việc tốt" và tôn vinh “Công dân Thủ đô ưu tú” được bình chọn trong năm. Đến nay, qua 8 năm thực hiện đã có tổng số 80 “Công dân Thủ đô ưu tú" với đủ các lứa tuổi và thành phần xã hội được TP khen thưởng và tôn vinh.

Bằng nhiều hình thức, biện pháp đổi mới, sáng tạo, trong những năm qua các gương điển hình tiên tiến được các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân phát hiện ngày càng tăng về số lượng và phong phú về thành phần, đối tượng. Bên cạnh những tấm gương là các nhà khoa học, nhà giáo, kỹ sư, công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang, văn nghệ sỹ, doanh nhân còn có cả giáo dân, tăng ni phật tử, người khuyết tật, lao động tự do... Nhiều tập thể, cá nhân điển hình đã được ghi nhận và khen thưởng cao trước đây đến nay vẫn phát huy tác dụng, có ảnh hưởng tích cực ở địa phương, đơn vị.

Để kịp thời động viên các phong trào thi đua, công tác khen thưởng cũng được TP tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng. Quan tâm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật và các văn bản chỉ đạo về công tác khen thưởng. Nổi bật là việc ban hành các quy định về khen thưởng DN, doanh nhân; khen thưởng thành tích chuyên đề; thành tích đột xuất; gương điển hình tiên tiến; hướng dẫn khen thưởng thành tích cống hiến; hướng dẫn đón nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; việc sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy chế xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, “Công dân Thủ đô ưu tú”, “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”… đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện tình hình thực tiễn. Công tác xét khen thưởng được tiến hành chính xác, công khai, dân chủ và công bằng. Quan tâm nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ, đổi mới quy trình xét khen thưởng đảm bảo kịp thời, hiệu quả, khen đúng người, đúng việc, đúng thành tích, do đó nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng đã thực sự là những tấm gương tiêu biểu trong cơ quan, đơn vị, xứng đáng để quần chúng tôn vinh, học tập. Khen thưởng đã ngày càng gắn với kết quả phong trào thi đua ở từng đối tượng, lĩnh vực công tác. Việc khen thưởng thường xuyên đều có kế hoạch cụ thể; khen thưởng chuyên đề có nội dung, tiêu chí công khai; khen thưởng đột xuất được thực hiện kịp thời, linh hoạt. Điểm đáng chú ý là khen thưởng đã bám sát vào kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, giải quyết các khâu yếu, việc khó, lĩnh vực quan trọng, phức tạp của TP và đơn vị. Đối tượng khen thưởng cũng được mở rộng hơn đến các tầng lớp Nhân dân ở nhiều lĩnh vực hoạt động, công tác. TP và các đơn vị đã có nhiều biện pháp tăng cường khen thưởng cho các tập thể và cá nhân là người lao động trực tiếp; qua đó tỷ lệ khen thưởng người lao động trực tiếp trên địa bàn ngày càng cao (chiếm đến 90% tổng số cá nhân được khen thưởng). Để đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, TP đã ban hành và áp dụng Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thi đua - Khen thưởng, đồng thời thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định, thủ tục đảm bảo thuận tiện và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Có thể khẳng định, công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn Thủ đô trong những năm qua đã có sự đổi mới rõ rệt cả về chất và lượng. Việc tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua và thực hiện tốt công tác khen thưởng đã ra tạo động lực to lớn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của từng thời kỳ, giai đoạn.

Trong 30 năm kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (1986 - 2015), kinh tế Thủ đô tăng trưởng vượt bậc: Tốc độ tăng GDP từ mức 4,48% giai đoạn 5 năm đầu đổi mới (1986 - 1990) tăng lên mức 9,3% giai đoạn (2009 - 2015); GDP bình quân đầu người năm 2015 tăng gấp gần 6,4 lần so với năm 1990; nhiều chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội liên tục giữ vị trí đứng đầu cả nước. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị có tiến bộ vượt bậc, diện mạo Thủ đô ngày càng đổi mới, khang trang, văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đòi hỏi cấp bách của quá trình đô thị hóa, nhất là sau khi Thủ đô được điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, với quy mô dân số tăng hơn 1,5 lần và diện tích tự nhiên tăng gấp 3,6 lần so với trước đây. Văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật trên các lĩnh vực: xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát triển thể thao thành tích cao cùng với việc thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội nhất là giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội, đặc biệt là người có công với cách mạng; đời sống vật chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị các cấp của TP ngày càng vững mạnh và trưởng thành; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, phương pháp lãnh đạo, điều hành và phong cách làm việc, đáp ứng yêu cầu của quá trình thực hiện công cuộc đổi mới. Tình hình chính trị - xã hội trên địa bàn ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; đối ngoại được mở rộng, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với công cuộc đổi mới, đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước được củng cố. Vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao đối với Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, Hà Nội giai đoạn 10 năm mở rộng địa giới hành chính đã có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội: Tăng trưởng GRDP giai đoạn (2008 - 2017) bình quân đạt 7,4%/năm; thu nhập tính theo GRDP theo đó tăng lên, bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Thu ngân sách trên địa bàn liên tục đạt và vượt dự toán, bình quân tăng 12,42%/năm; năm 2017 thu ngân sách đạt 207.628 tỷ đồng, gấp 2,87 lần năm 2008. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục kể từ năm 2012, đến năm 2017 được xếp thứ 13/63 tỉnh, TP - cao nhất từ trước tới nay; chỉ số Cải cách hành chính năm 2017 xếp thứ 2/63 tỉnh, TP; xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Thời gian giải quyết TTHC trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, quy hoạch, đất đai giảm từ 30 - 50%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được triển khai đến 584/584 xã, phường, thị trấn và 10 sở, ngành, cuối năm 2017 đạt 55%; tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng trong các cơ quan nhà nước đạt trên 94%; được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - Châu Đại Dương trao giải thưởng ASOCIO về Chính phủ số năm 2017. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Thủ đô được nâng lên; năm 2018 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp TP tổ chức Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” với nhiều nội dung cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư, DN. Hà Nội được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá là 1 trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước được nhiều DN đầu tư nước ngoài ưu tiên lựa chọn và được xếp trong Top 10 TP năng động nhất thế giới.

Những thành tựu nổi bật nêu trên của TP là kết quả của việc xác định đúng đắn mục tiêu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, từ đó đề ra nội dung, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua phù hợp, đảm bảo huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khích lệ được tinh thần tự giác tham gia của đông đảo quần chúng Nhân dân, góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy truyền thống là địa phương luôn đi đầu trong công tác thi đua, khen thưởng; các cấp, các ngành TP cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm:

1 - Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quán triệt, chỉ đạo và tổ chức triển khai các nội dung, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng.

2 - Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua. Phong trào thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị được giao và chủ đề công tác hàng năm. Quan tâm phát động và triển khai hiệu quả thi đua theo chuyên đề, thi đua theo đợt, coi đó là biện pháp đột phá trong tổ chức phong trào thi đua; trong đó tập trung thi đua thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, phức tạp như cải cách hành chính; an toàn thực phẩm; quản lý trật tự đô thị; phát triển hạ tầng; phát triển y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI... Các ngành, các đơn vị lấy kết quả việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ là một trong các tiêu chí để đánh giá kết quả phong trào thi đua.

3 - Tiếp tục rà soát, xây dựng và sửa đổi các quy định, quy chế về thi đua, khen thưởng trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn. Chú trọng hoàn thiện các quy trình bình xét, tiêu chuẩn, tiêu chí các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; xây dựng tiêu chí riêng cho từng đối tượng theo hướng nâng cao tỷ lệ khen thưởng người lao động trực tiếp.

4 - Thực hiện tốt việc công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến thông qua việc triển khai hiệu quả Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, qua đó phát hiện, đề xuất khen thưởng kịp thời. Thành lập Tổ công tác phát hiện, đề xuất khen thưởng thành tích đột xuất, gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Người đứng đầu các đơn vị phải chủ động trong công tác phát hiện, tạo điều kiện trong giao nhiệm vụ và bồi dưỡng để điển hình tiên tiến được phát huy, trên cơ sở đó thực hiện công tác đánh giá, khen thưởng và tuyên truyền, nhân rộng kịp thời.

5 - Quan tâm thực hiện việc tổ chức các ngày kỷ niệm, trao tặng và đón nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo đúng quy định của Nhà nước, từng bước chuẩn hóa công tác tổ chức trao tặng và đón nhận, đảm bảo trang trọng, thiết thực và tiết kiệm, mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục cao, đồng thời tôn vinh được các tập thể, cá nhân được khen thưởng.

6 - Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng theo định kỳ (hàng quý, hàng năm) hoặc tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện có vấn đề về công tác thi đua, khen thưởng. Tập trung giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân; xử lý kịp thời các vi phạm về thi đua, khen thưởng.

Với những nội dung nhiệm vụ được xác định cùng quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cán bộ và Nhân dân Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh, hăng hái thi đua, phấn đấu xây dựng và phát triển Thủ đô vươn lên một tầm vóc mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân cả nước và ước nguyện của Bác Hồ kính yêu. 

TS  Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng TP Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần