Hà Nội: Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp do Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đồng chủ trì.

Quang cảnh Hội nghị Kết nối ngân hàng - Doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Trâm
Nhiều doanh nghiệp được tiếp cận vốn rẻ
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, trong 3 tháng đầu năm, tín dụng tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn được đẩy mạnh tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Từ năm 2014 đến nay trên toàn quốc, ngành ngân hàng đã tổ chức 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với DN, qua đó tháo gỡ khó khăn cho 195.000 DN, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 -9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9 - 11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Năm 2019 các tổ chức tín dụng trên địa bàn sẽ tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp số 02/UBND-NHNN ngày 04/6/2016 giữa UBNDTP Hà Nội và NHNN Việt Nam về hỗ trợ DN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Tích cực phối hợp với các sở, ngành của TP thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho khách hàng. 

Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn

Riêng trên địa bàn TP Hà Nội, đến cuối tháng 3/2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đã đạt khoảng 3,18 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2018; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1,92 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2018, trong đó, dư nợ cho vay DNNVV đạt 308.344 tỷ đồng, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 161.961 tỷ đồng, dư nợ cho vay theo Chương trình kết nối Ngân hàng – DN đạt 523.260 tỷ đồng.

Trong năm 2018, các TCTD trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện giải ngân cho vay mới thêm 120.421 tỷ đồng cho 10.310 DN. Mức lãi suất cho vay phổ biến cũng chỉ vào khoảng 6 - 6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn; 8 -9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đồng thời, các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho 12.105 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của 1.264 DN.

Chính điều này đã góp phần giúp Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 ở mức 16,94%, với dư nợ cho vay DNNVV đạt 311.696 tỷ đồng. Từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm qua của TP đạt 7,37%.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho rằng, Chương trình đã trở thành cầu nối quan trọng để hệ thống ngân hàng đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. “Đây là cơ hội tiếp cận vốn rẻ cho các DN trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, nhiều DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý và các dịch vụ ngân hàng thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh...” - ông Toản cho biết.

Chủ động để đôi bên cùng có lợi

Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, các chương trình, chính sách cho vay đối với DN còn nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều DNNVV chưa đáp ứng được điều kiện vay vì năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn đối ứng, phương án kinh doanh thiếu khả thi, công tác hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đại diện một số DN cho rằng, ngoài chuyện hỗ trợ vốn thì ngân hàng cần quan tâm đến các dịch vụ hỗ trợ khác như tư vấn cho DN cách thức đầu tư, tư vấn mở rộng thị trường. Phong trào khởi nghiệp đang bùng nổ khá mạnh mẽ trong mấy năm gần đây nhưng phần lớn các start-up hiện nay không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo. Vì vậy, ngân hàng có thể xem xét cho phép các start-up có thể thế chấp vay vốn bằng các phát minh, sáng chế đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Phó Tổng Giám đốc BIDV Quách Hùng Hiệp chia sẻ: Với phương châm luôn đồng hành cùng DN, BIDV đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi 200.000 tỷ đồng cho DN, với DNNVV quy mô hỗ trợ khoảng 80.000 tỷ đồng. Năm 2018 lãi suất cho vay luôn thấp hơn so với thị trường từ 0,5 - 1%.

Riêng quy trình thủ tục với các DN siêu nhỏ và vừa, BIDV triển khai quy trình cấp tín dụng cắt giảm 2 khâu trung gian trong quá trình cấp tín dụng áp dụng quy trình giải ngân một lần, giảm 20 -30% thời gian, đáp ứng giải ngân trong 24 giờ. Với DN thiếu tài sản đảm bảo, BIDV linh hoạt nhiều gói sản phẩm cho phép thế chấp hợp đồng tương lai sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp bảo đảm bảo lãnh và các biện pháp bảo đảm khác - nếu có - theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Còn tại Ngân hàng MB, Giám đốc Khối khách hàng DNNVV Ngân hàng MB Đinh Như Tuynh cho biết, MB dành gói 15.000 tỷ đồng cho khối DN và 3000 tỷ đồng cho khối DN nhỏ, với lãi suất ưu đãi 6,2%. Cách đây 3 tháng, MB đã đưa ra một chương trình riêng: "SMECare By MB" - Chương trình chăm sóc, hỗ trợ và kết nối toàn diện cộng đồng DN, cung cấp các giải pháp đáp ứng các nhu cầu tài chính và phi tài chính của DN, gói tài trợ truyền thông miễn phí dành cho DN trị giá tới 900 triệu đồng phủ sóng toàn quốc.

Ở góc độ khách quan, TS Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhìn nhận, ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi. Các ngân hàng nên ứng dụng công nghệ số vào quản lý quá trình vay trả của DN, và khả năng cung cấp dịch vụ của ngân hàng. Đồng thời tận dụng cơ sở dữ liệu của DN Việt Nam để thành lập cơ sở dữ liệu chung cho ngân hàng trên cơ sở đó đánh giá phân loại để đưa ra các gói hỗ trợ giải pháp khác nhau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần