Số liệu điều tra từ 4 công ty thủy lợi trực thuộc UBND TP Hà Nội cho thấy, tính đến tháng 3/2021, đã thống kê được 1.889 điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Trong đó, 882 điểm xả thải có nguy cơ ô nhiễm. Cụ thể, 209 điểm xả thải công nghiệp, 48 điểm xả thải từ khu đô thị, 48 điểm xả phát sinh từ làng nghề và 577 điểm xả thải chăn nuôi.
Trong số 4 doanh nghiệp thủy lợi có các điểm xả thải nguy cơ gây ô nhiễm, hệ thống thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ chiếm nhiều nhất với 339 điểm. Tiếp đó lần lượt là các công ty sông Đáy 275 điểm, sông Tích 139 điểm và Hà Nội 129 điểm.
Mặc dù có đến 882 điểm xả thải vào công trình thủy lợi nguy cơ gây ô nhiễm, tuy nhiên thống kê chỉ có 31 điểm được các cơ quan chức năng cấp phép theo quy định pháp luật. Trong đó có 22 điểm công nghiệp, 8 điểm xả thải chăn nuôi và 1 điểm thuộc nhóm đô thị, bệnh viện. Hàng trăm điểm xả thải còn lại là không phép.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn, số liệu quản lý xả thải chủ yếu mới thống kê được các công ty, xí nghiệp, khu đô thị hay hộ chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn các nguồn nước xả thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu giết mổ gia súc, gia cầm và dân sinh xả vào kênh nội đồng thường được thống kê thành điểm xả thải chung.
Bên cạnh đó, các điểm xả thải lớn, có tính chất chung cho cả thôn xóm, vùng dân cư lớn thường không xác định được chủ xả thải cũng như quy mô, tính chất xả thải. Một số điểm xả thải vào các hệ thống kênh tiêu, sông suối chưa được thống kê.
Đại diện Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết thêm, lượng nước xả thải mới chỉ được xác định đối với các trường hợp có cấp phép, còn lại các điểm xả thải khác chưa được xác định do không có căn cứ cũng như thiết bị quan trắc và kinh phí thực hiện. Đây là một trong những khó khăn trong quá trình quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi...