Hà Nội: Hành trình ấn tượng từ "Thành phố Vì hòa bình" đến "Thành phố Sáng tạo"

Linh Phạm - Ảnh: Phạm Hùng-Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sức sống mãnh liệt của thành phố ngàn năm tuổi và lòng hiếu khách tuyệt vời trong mỗi người dân Thủ đô đã tạo nên Hà Nội "điểm đến yêu thích" của du khách năm châu.

Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” năm 1999 như một sự ghi nhận đóng góp to lớn của Thủ đô vào hòa bình, thịnh vượng của khu vực và toàn thế giới.

Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội vẫn miệt mài bảo tồn các giá trị truyền thống, di sản văn hóa và không gian xanh, chú trọng giáo dục, môi trường. Tổng hòa ấy giúp Hà Nội phát triển đều mọi mặt và ngày càng vươn xa.

 Hà Nội – Thành phố duy nhất ở Châu Á-Thái Bình Dương được UNESCO vinh danh ''Thành phố vì Hòa bình''.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội là thành phố duy nhất ở Châu Á – Thái Bình Dương được tôn vinh như vậy. Sự ghi nhận mới nhất cho khát vọng vươn lên của một thành phố năng động là danh hiệu “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO.

Như vậy, Hà Nội cùng với 246 thành phố trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố với việc lấy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Vậy điều gì đã làm nên một thành phố là “điểm đến hấp dẫn” của hàng triệu du khách mỗi năm? Câu trả lời nằm ở sức sống mãnh liệt của thành phố ngàn năm tuổi và lòng hiếu khách tuyệt vời trong mỗi người dân Thủ đô.

Hà Nội nổi bật với các hoạt động bảo vệ môi trường.

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc cho rằng chính người Hà Nội – mỗi công dân Thủ đô – đã nỗ lực hết mình để làm nên một “Thành phố vì Hòa bình” ấn tượng với du khách năm châu. Hà Nội đã phát triển thành một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Việt Nam và ngày càng có vị thế trên trường quốc tế.

Cựu chiến binh Chuck Searcy, Đồng chủ tịch Tổ chức phi chính phủ Orange Agent nhận xét, người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng từ lâu đã thúc đẩy tình hữu nghị với các dân tộc khác, nhất là người Mỹ.

Ở một khía cạnh khác, Hà Nội hiện lên vừa yên bình, vừa nên thơ. Trong cuốn sách “Hà Nội: Tiểu sử của một thành phố”, tác giả William Steward Logan cho rằng điều thu hút du khách là cảm giác đặc biệt về địa điểm mà thành phố này sở hữu. Du khách nhanh chóng bị mê hoặc bởi cảnh quan văn hóa trong tổng thể hài hòa từ nét đời thường đến những biểu tượng ngàn năm được đặt trong khung cảnh vật lý sôi động của thành phố.

 …với tăng trưởng bền vững.

Hà Nội đang thay đổi nhanh chóng với các tòa nhà chọc trời, trung tâm thương mại và khu đô thị. Nhưng thành phố này cũng dành nhiều tâm huyết để bảo tồn giá trị cổ kính của nó, gồm khu phố cổ, 600 ngôi chùa và 300 di tích lịch sử – văn hóa.

Du khách người Anh Rory Linnane đã đến Hà Nội nhiều lần và mỗi lần trở lại anh đều cảm thấy thành phố này thân thuộc hơn. Anh bị thu hút bởi sự yên tĩnh, sự đan xen giữa nét cổ xưa và hiện đại.

Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft, hai mươi năm sau khi được trao danh hiệu ấy, Hà Nội đã trở nên hướng ngoại hơn, trở thành một thủ đô năng động tham gia ngày càng nhiều vào hợp tác quốc tế. Dù rất tự hào về quá khứ của mình, thành phố năng động vẫn hướng đến tương lai, là thành viên Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO.

 Hà Nội – Thành phố năng động. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đại diện Bộ Ngoại Giao và UNESCO nhấn nút khai trương website ''Hà Nội – Thành phố sáng tạo''.

Và trên tất cả, trong tầm nhìn của Thành phố, chúng ta thấy được hình ảnh phản chiếu của đất nước Việt Nam trong thế kỷ mới – một Việt Nam hiện đại, trẻ trung, tự tin, đầy trách nhiệm đang được xây dựng trên một di sản hòa bình và sự hiểu biết sâu sắc về ngoại giao văn hóa quốc gia để đạt được những thành tựu mới trên bình diện quốc tế.

Với ước muốn ngàn đời về “Thăng Long phi chiến địa”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng Hà Nội là đại diện điển hình cho khát vọng của cha ông, của dân tộc về hòa bình. Như một lẽ tự nhiên, thành phố trở thành tâm điểm để các nước lớn nhóm họp tìm giải pháp hòa bình.

Sự phát triển năng động đã giúp thành phố trở thành nơi tổ chức các sự kiện quốc tế, như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2006, Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU) vào 2015, Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 6 (GMS-6), Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) năm 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều tháng 2/2019.

 Hà Nội trở thành cầu nối hòa bình khi là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai vào tháng 2/2019.

Việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thu hút sự quan tâm toàn cầu là minh chứng thực tế cho danh xưng “Thành phố Vì hòa bình”.

Giáo sư Dương Văn Quang khẳng định việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim minh họa cho chính sách đối ngoại thành công của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tạo uy tín hơn cũng như khả năng tổ chức các sự kiện tầm cỡ. Nó cũng tượng trưng cho đường lối ngoại giao hòa bình của Việt Nam.