Hà Nội hiện thực hóa quyết tâm tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả nước đang tái khởi động lại guồng máy kinh tế sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19. Thủ đô Hà Nội cũng đang triển khai tích cực các giải pháp để phục hồi phát triển sản xuất với mục tiêu tăng trưởng gấp 1,3 lần tăng trưởng chung của cả nước.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 22/4. Ảnh: Thanh Hải
Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục hồi kinh tế
Dù chịu tác động mạnh của dịch bệnh nhưng quý I/2020, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hà Nội vẫn duy trì ở mức 3,72%. Đây cũng là mức tăng trưởng cao so với các TP lớn trong nước và khu vực. Muốn GRDP năm nay tăng 7,5% như kế hoạch đã đặt ra thì 9 tháng còn lại, Hà Nội phải đạt tăng trưởng GRPD 8,6%. Đây là chỉ tiêu rất cao.
TP đã xây dựng 3 kịch bản thúc đẩy tăng trưởng phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, trong đó xác định rõ 9 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, quyết tâm giành thắng lợi trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế.
Từ nay đến cuối năm, TP triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế như: Tăng cường phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh các lĩnh vực y tế, sản xuất khẩu trang và trang thiết bị y tế phòng dịch. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp cần phục hồi ngay để tạo đà cho các tháng tiếp theo.
TP đang quyết liệt triển khai các công trình đầu tư công, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vốn đầu tư xã hội 2016 - 2019 của Hà Nội được 1,3 triệu tỷ đồng nên đẩy nhanh giải ngân để góp phần tăng trưởng bằng cách thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn theo yêu cầu của Chính phủ, của Thành uỷ và UBND TP.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, để tháo gỡ khó khăn cho DN, UBND TP yêu cầu các đơn vị phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN. Khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ như: Thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán trực tuyến… Mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gắn với tuyên truyền để Nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ.
Các ngành, địa phương đồng bộ triển khai
Tiếp tục coi nông nghiệp là bệ đỡ quan trọng, TP đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng nông nghiệp đạt 4 - 5%. Để đạt được mục tiêu, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để phục hồi phát triển, như: Hỗ trợ kinh phí xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chi phí thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh trên tất cả các loại cây trồng, mua vắc xin phòng chống bệnh cúm gia cầm… Mặt khác, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho người dân, tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, chẳng hạn về thủy sản, hỗ trợ 100% chi phí quảng bá, xúc tiến thương mại... Cùng với đó, duy trì và hỗ trợ 138 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cho nông dân.
Dù khẳng định mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 8% của Hà Nội là một thách thức lớn đối với ngành công thương, song theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, trước mắt vẫn tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 như: Thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế, dược phẩm… Về lâu dài, sẽ phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội thông tin đến DN về tình hình thị trường xuất khẩu tiềm năng cũng như những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, đặc biệt là các Hiệp định thế hệ mới (CPTPP, EVFTA). Và đặc biệt tập trung vào thị trường trong nước vẫn còn khả quan với phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Với du lịch, kịch bản mà Sở Du lịch Hà Nội xây dựng để hồi phục thị trường gồm 4 giải pháp, trong đó nhiệm vụ hàng đầu vẫn là tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, để khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện. Đồng thời, du lịch Hà Nội sẽ có kế hoạch xác định lại các thị trường trọng điểm bên cạnh thị trường Trung Quốc; tiếp tục tham gia các hội chợ du lịch quốc tế để mở rộng đối tượng khách tại châu Âu, Nhật Bản, Bắc Á; có những giải pháp liên quan đến điều chỉnh chính sách visa cho du khách trong thời gian tới… Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội đã hợp tác với Vietnam Airlines tiếp thị các điểm đến mới, mở rộng thị trường. Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đã có chiến lược hướng vào thị trường khách nội địa, đẩy mạnh kích cầu thông qua hợp tác với các tỉnh, thành trên cả nước...
Với dư nợ cho vay đến nay đạt 546.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội chấp nhận giảm lợi nhuận để nỗ lực chung tay cùng doanh nghiệp vượt "bão” Covid-19. Cùng với các chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội…, các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ đã đến được với nhiều DN.
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, thúc đẩy đầu tư tư nhân, Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã đối thoại đối với các DN để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hỗ trợ DN và tái khởi động tổ công tác xem xét, giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN.
Doanh nghiệp, người dân cùng đồng hành
Hà Nội đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi sản xuất. Với quyết tâm của lãnh đạo TP, người dân, cộng đồng DN đều bày tỏ chung tay với TP để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Sau hơn 2 tuần đóng cửa, nhiều chủ cơ sở kinh doanh hàng hóa không thiết yếu, các trung tâm thương mại… tại Hà Nội ngày 23/4 cũng đã mở cửa trở lại, cùng với đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ cho việc phục vụ khách hàng. Các DN sản xuất cũng đang dồn hết công suất, sẵn sàng tâm thế đưa hoạt động kinh doanh “chạy” ngay sau khống chế dịch.
Nhận định về sự phục hồi tăng trưởng kinh tế của Hà Nội sau dịch, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, với những quyết tâm từ cấp uỷ, chính quyền TP cùng người dân, DN sát cánh Hà Nội sẽ vươn lên mạnh mẽ, làm gương cả nước, là đầu tàu phát triển cả nước. "Không chỉ tăng trưởng cao gấp 1,3 lần mức tăng GDP của cả nước năm 2020 như mong muốn của lãnh đạo TP mà Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu cao nhất so với kế hoạch năm 2020 đã đề ra với tốc độ tăng trưởng 7,5%"- ông Vũ Tiến Lộc tin tưởng.

Dù mở cửa lại nền kinh tế nhưng Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ "kép" là vừa phòng chống dịch, vừa năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội. Trong lúc này quan trọng là người đứng đầu các địa phương tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất nhằm gỡ bỏ các rào cản cho DN. Hà Nội, với bộ máy chính quyền năng động, cùng với sự đồng lòng của người dân, đội ngũ DN trụ cột các ngành kinh tế tin rằng, Hà Nội đã tiên phong trong chống dịch sẽ chiến thắng trong mặt trận phục hồi kinh tế. 
TS Võ Trí Thành

Với 3 kịch bản Hà Nội đặt ra gồm: Kịch bản 1, dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Kịch bản 2, dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra. Kịch bản 3, dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng từ 4 đến 5%). Tôi nghiêng về kịch bản 1, đó là tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Hà Nội đã chuẩn bị điều kiện tốt để chỉ cần “bật công tắc lên” là mọi thứ sẽ trở lại bật dậy nhanh. 

TS Nguyễn Minh Phong

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần