Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP Hà Nội Lê Văn Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã bộc lộ nhiều khó khăn. Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn… đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhờ vào các giải pháp đồng bộ, kinh tế Thủ đô vẫn đạt những kết quả nhất định, được cộng đồng DN đánh giá cao.

Nhiều giải pháp đồng bộ
Bước vào năm 2021, trước bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, để DN phục hồi tăng trưởng Hà Nội tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại, tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của các DN, hộ kinh doanh. Trong đó, Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội phối hợp với các sở, ngành đề xuất các giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho DN, tổng hợp kiến nghị của DN; Tổ chức 5 cuộc giao thương giữa các DN trong Hiệp hội như Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn Văn Phú Invest, Tập đoàn Sunhouse, Tập đoàn T&T, Tân Á Đại Thành, Minh Tien Group… với hơn 400 DN tham gia.

Cộng đồng DN đều đánh giá cao sự nỗ lực chung của TP trên tất cả các lĩnh vực vì người dân, DN. Đơn cử, TP hỗ trợ tối đa để DN rút ngắn thời gian gia nhập thị trường, hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt tỷ lệ 100%, đưa Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này; Thí điểm thực hiện liên thông giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký DN đối với nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn thời gian từ 20 - 60%, giảm 8 ngày so với quy định; Chủ động triển khai tích hợp 4 dịch vụ tiện ích hỗ trợ DN trong đăng ký kinh doanh để giảm thời gian khởi sự kinh doanh... góp phần giữ vững Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020.
 Ký kết hỗ trợ giữa Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP Hà Nội với các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Khắc Kiên
Điểm sáng nữa là các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn; Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các TCTD đã triển khai nhiều gói ưu đãi về tín dụng, như: Ngân hàng BIDV triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho DNNVV kinh doanh xuất nhập khẩu; VietinBank gia hạn Chương trình “Vay ưu đãi, lãi tri ân” đến ngày 30/6 với quy mô vốn lớn nhất dành cho khách hàng là cá nhân, DN siêu vi mô và chủ DN tư nhân; SHB triển khai chương trình “Ưu đãi lãi suất, tiếp sức thành công” với gói tín dụng ưu đãi lên tới 6.000 tỷ đồng dành cho khách hàng DN vay sản xuất, kinh doanh...

10 nhiệm vụ trọng tâm

Thời gian tới, với tinh thần đồng hành cùng DN, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu. Một là, tiếp tục chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN với nhiều hình thức phù hợp để kịp thời giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không thụ động, chờ đợi DN đến phản ánh mới xử lý; Hai là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác của TP về hỗ trợ DN năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách.

Ba là, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ DN thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các TTHC về đăng ký kinh doanh nhằm giúp DN giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các TTHC, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN khởi nghiệp; Bốn là, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2025 và Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025;

Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền để cộng đồng DN hiểu rõ và ủng hộ, hợp tác trong các chương trình cải cách, hiện đại hóa giải quyết TTHC, đặc biệt là lợi ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các TTHC về đăng ký DN, thuế, hải quan, BHXH, các TTHC thuộc các ngành như xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế...; Bảy là, tăng cường ứng dụng CNTT vào tất cả các khâu quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới công dân, các tổ chức, cá nhân...;

Tám là, nghiên cứu, đề xuất giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu; Chín là, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu; Mười là, các hiệp hội DN, các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP tăng cường đối thoại với DN, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của DN vượt thẩm quyền giải quyết thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý để kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Năm 2021, TP đã bố trí 250 tỷ đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ DN, cụ thể như: Chương trình Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch; Chương trình khuyến công; Hỗ trợ pháp lý cho DN; Kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học; Hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV; Hỗ trợ đào tạo kiến thức điều hành (CEO); Chương trình bồi dưỡng kiến thức cho các hộ kinh doanh; Chương trình liên kết hợp tác các đơn vị hỗ trợ; Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực do nữ làm chủ; Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần