Hà Nội hoàn thành xuất sắc việc thực hiện “mục tiêu kép” trong năm 2020

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi. - Năm 2020, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần nỗ lực cao theo phương châm “ngoại thành chi viện cho nội thành, nội thành cố gắng với mức cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Hà Nội đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo duy trì mức tăng trưởng kinh tế - xã hội. Trao đổi bên lề cuộc làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ với Huyện uỷ Phúc Thọ diễn ra sáng 31/12, lãnh đạo một số sở, ngành và huyện của TP đánh giá, mặc dù trải qua một năm có nhiều khó khăn nhưng Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Hoàn thành cả nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế
Trao đổi với báo chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, năm 2020 là năm khó khăn đối với thế giới, khu vực, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Năm này cũng là năm có đột biến khi dịch Covid-19 diễn ra. Khi dịch xảy ra, ngay từ đầu Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TP Hà Nội cũng xác định “chống dịch như chống giặc”.
 Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ.

Việc này đã được triển khai rất nhanh khi mà ngay ngày mùng 2 Tết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã triệu tập một cuộc họp của Chính phủ. Sau đó, Hà Nội đã chuẩn bị ngay việc chống dịch trước ngày đầu tiên đi làm việc trở lại sau kỳ nghỉ năm mới.
Trong giai đoạn đầu, Hà Nội thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”. Đến tháng 3/2020, với sự nhạy bén, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ xác định vừa phải chống dịch nhưng vừa phải thực hiện “mục tiêu kép” là phát triển kinh tế. Hà Nội khi đó là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện nhiệm vụ này. Đến tháng 5/2020, khi tình hình dịch bệnh đang ở giai đoạn được kiểm soát tốt trên cả nước và Thủ đô, Hà Nội đã xác định chuyển sang giai đoạn bình thường mới. “Với sự chủ động và bước đi đúng đắn này đã giúp kinh tế của Thủ đô đạt được kết quả rất tích cực trong năm 2020. Đồng thời với đó, TP đã triển khai tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Như vậy, chúng ta đã hoàn thành cả nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế” – ông Nguyễn Ngọc Kỳ đánh giá.
Trong lĩnh vực xã hội, mặc dù gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng TP vẫn đảm bảo công tác an sinh xã hội và chăm lo đời sống cho người dân. Không chỉ chăm lo người dân của TP, vào quý III, IV/2020, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” thì Hà Nội đã ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng số tiền và hàng hóa trị giá trên 124,8 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, Hà Nội không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình mà còn thể hiện trách nhiệm với cả những địa phương gặp khó khăn do bão lũ gây ra. Điều này thể hiện xứng đáng trách nhiệm, vai trò là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. 
Đi sâu vào kết quả phát triển kinh tế, năm 2020, bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả, kinh tế Thủ đô đã phục hồi mạnh và GRDP cả năm 2020 tăng 3,98% (gấp khoảng 1,4 lần bình quân chung của cả nước); chỉ số giá tiêu dùng CPI được kiểm soát ở mức 2,67%; thu ngân sách ước đạt 280.500 tỷ đồng (vượt dự toán và tăng 3,9% so với năm 2019). Thực hiện miễn, giảm, giãn thuế và các khoản phải nộp cho các doanh nghiệp hơn 25.000 tỷ đồng (bằng 30,9% của cả nước); chi hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 hơn 604 tỷ đồng; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố… Qua đây có thể khẳng định, mặc dù trải qua một năm có nhiều khó khăn nhưng Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
 Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường.
Thực hiện 3 chiến lược trọng tâm để phát triển nông nghiệp
Trong khi đó, chia sẻ về kinh nghiệm để Ngành nông nghiệp Thủ đô đạt được tốc độ tăng trưởng 4,2% (mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây) trong một năm khó khăn như 2020, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, năm qua thực hiện rất nhiều chủ trưởng chỉ đạo của Thành uỷ, UBND TP, vận dụng tốt các cơ chế, chính sách của T.Ư và khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế sẵn có thì Ngành nông nghiệp Thủ đô đã đạt được kết quả ấn tượng. Nguyên nhân là do đã khai thác tốt được hết tiềm năng, lợi thế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. 
Theo đó, đã phát triển lĩnh vực tiềm năng trong cây, con giống cung cấp cho cả nước với số lượng, quy mô lớn (trên 200.000.000 con gia cầm; hơn 200.000 giống lợn, gà…) và so với cả nước thì chất lượng giống của Hà Nội rất tốt. Ngoài ra, phát triển công nghiệp chế biến và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, kết nối các tỉnh, khai thác sản xuất theo chuỗi. Điều này đã đảm bảo sản phẩm thiết yếu cho người dân Thủ đô và tạo lưu chuyển hàng hoá cho các tỉnh về Hà Nội. Việc này đã tạo ra giá trị và động lực cho nông nghiệp Thủ đô phát triển.
Trong lĩnh vực nông thôn, Hà Nội là địa phương có trên 1.350 làng nghề. Nhiều làng nghề đã có thương hiệu nổi tiếng, có các sản phẩm được xuất đi nước ngoài và đã góp phần đem lại giá trị lớn. Đồng thời, phát triển làng nghề gắn với các di tích lịch sử, văn hoá. Điều này đã góp phần đẩy mạnh phát triển, chuyển dịch nông nghiệp gắn với du lịch làng nghề, trải nghiệm. Đây là lợi thế giúp nông nghiệp Hà Nội có sự tăng trưởng…
Phát huy kết quả đó, trong những năm tiếp theo, với tầm nhìn dài hạn thì Hà Nội sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị và những thế mạnh như: Sản xuất cây, con giống kết hợp với ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng cao; phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm làng nghề; tập trung khai thác thị trường tiêu thụ nội địa… “Với 3 chiến lược trọng tâm trong dài hạn và trước mắt như vậy chúng tôi cho rằng thời gian tới nông nghiệp của Hà Nội còn phát triển hơn nữa. Đặc biệt, sẽ nắm giữ vai trò tạo động lực cho nông nghiệp của các tỉnh, TP trên cả nước phát triển” – ông Tạ Văn Tường cho hay.
 Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng.
Là một huyện được đánh giá còn khó khăn, xuất phát điểm thấp nhưng thời gian qua, nhất trong năm 2020 đã nỗ lực, cố gắng toàn diện cả về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng, Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng cho biết, năm 2020 là năm đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Chính từ đó, Đảng bộ huyện xác định trong khó khăn thì càng cần phải nỗ lực vươn lên. Trên tinh thần đó, cán bộ công chức, viên chức của huyện tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính để từ đó tạo điều kiện chăm lo phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xác định lấy nông nghiệp là trụ đỡ cho phát triển kinh tế.
Với huyện Phúc Thọ được xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng yếu thì huyện đã thực hiện rất nhiều giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tạo ra giá trị cao nhất trên mỗi hecta gieo trồng. Từ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện năm 2020 đạt nhiều kết quả khả quan và chính điều này làm cho thu ngân sách địa phương trong năm đạt con số ấn tượng nhất từ trước đến nay. 
Theo báo cáo của huyện Phúc Thọ, năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,8% (trong đó nông nghiệp tăng 4%, công nghiệp xây dựng tăng 10,9%, dịch vụ tăng 9,1%).
          

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần