Hà Nội học tập và làm theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng vững mạnh

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn Thủ đô Hà Nội phải “làm gương mẫu để dẫn đầu Nhân dân cả nước…”, “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Luôn khắc ghi và nghiêm túc thực hiện lời Bác dặn, 50 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Nội không ngừng đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, học tập làm theo tấm gương 

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Hải

Học Bác trở thành việc thường xuyên, nền nếp
Một trong những nội dung rất quan trọng trong bản Di chúc của Bác là giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân. Bác căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ T.Ư đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Thấm thía lời dạy của Người, Đảng bộ Hà Nội đã luôn đặt vấn đề này lên hàng đầu. Sự đoàn kết không chỉ thể hiện trong các chủ đề và tiêu đề lớn của cả 16 kỳ Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội mà còn như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các nội dung của các kỳ Đại hội, thấm sâu vào nhận thức hành động của từng tổ chức cơ sở Đảng và từng đảng viên. Điều này đã góp phần tạo dựng khối đoàn kết toàn Đảng bộ Hà Nội thêm bền vững.
Đồng thời, sau hơn 3 năm, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, tự giác trong sinh hoạt chi bộ và trong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Hà Nội.
Để làm được điều đó, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: TP đã quán triệt những nội dung chủ yếu của Chỉ thị gắn với thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII); thực hiện chủ đề công tác hàng năm, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP.
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nhất là những việc bức xúc, nổi cộm, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trước mắt cũng như lâu dài.
Việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đưa ra Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội cũng góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.
Để việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thiết thực, theo Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan TP Lê Thị Thu Hằng, kết quả học tập và làm theo Bác không chỉ là một tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, mà còn là một trong những căn cứ quan trọng trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ của TP.
Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên
Quận Long Biên là một trong những địa phương đã chủ động tổ chức lấy ý kiến (bằng phiếu kín) để cấp dưới góp ý cho cấp trên về kết quả thực hiện kế hoạch tu dưỡng rèn luyện đạo đức theo nội dung đã cam kết, khiến người đứng đầu cấp ủy phải thực sự nêu gương sáng, tạo lan tỏa trong hành động của cả hệ thống chính trị cơ sở.
Như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận định, việc học tập và làm theo Bác giờ đây đã từng bước khắc phục bệnh hình thức, hô hào cứng nhắc, mà thay vào đó, tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan đơn vị đã được phát huy hữu hiệu.
Không những vậy, việc học Bác còn được gắn với thực hiện hai Quy tắc ứng xử của TP, đẩy mạnh cải cách hành chính đã tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.
Từ đó, tác phong, lề lối làm việc, nền nếp sinh hoạt, thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức được đổi mới; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, tồn đọng của Nhân dân, nhất là trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.