Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hà Nội hội tụ đủ điều kiện tiên phong thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Kinhtedothi - Với nền tảng tri thức, công nghệ và nhân lực hiện có, TP Hà Nội có đủ điều kiện để khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" đã xác định rõ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Đồng thời, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong tiến trình đó, hệ thống giáo dục đại học – cao đẳng giữ vai trò trung tâm trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển tri thức mới, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Quang cảnh Hội thảo khoa học về giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp TP Hà Nội tổ chức, ngày 15/4.

Hà Nội – trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, kinh tế, văn hóa và trung tâm về giáo dục và khoa học công nghệ của cả nước – hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW. Theo đó, với mạng lưới hàng trăm trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu cùng đội ngũ trí thức, nhà khoa học đông đảo, Thủ đô có vai trò đặc biệt quan trọng trong hiện thực hóa các khát vọng lớn lao của Nghị quyết, tạo động lực mới cho tăng trưởng GRDP, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện.

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những biến động phức tạp về kinh tế và thương mại, các chính sách điều chỉnh thuế quan, đặc biệt là các biện pháp áp thuế đối ứng từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Để nâng cao năng lực thích ứng và duy trì đà tăng trưởng bền vững, việc khẩn trương phát triển năng lực tự chủ về công nghệ và nâng cao giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất, xuất khẩu đang là yêu cầu được đặt ra. Trong đó, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt giúp nền kinh tế chuyển từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.

Từ đó, TS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, với nền tảng tri thức, công nghệ và nhân lực hiện có, hệ thống giáo dục đại học trên địa bàn TP Hà Nội có đủ điều kiện để khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW. Việc kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất cơ chế và phát động các sáng kiến hợp tác cụ thể giữa các trường đại học, cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế là cần thiết. Điều này hướng tới mục tiêu phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, bền vững và có khả năng lan tỏa mạnh mẽ cho sự phát triển xã hội của Thủ đô và cả nước.

Thành lập liên minh đổi mới sáng tạo đại học Hà Nội

Theo GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, phát triển khoa học, công nghệ không chỉ nhiệm vụ chiến lược mà còn là điều kiện tiên quyết để Hà Nội đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 10%, Hà Nội cần một cơ chế đặc biệt, một liên minh hành động và một động lực tri thức – công nghệ – con người mạnh mẽ.

Một góc Thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao.

Với vai trò là đại học kỹ thuật hàng đầu cả nước, GS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết sát cánh cùng TP Hà Nội để tạo nên những bước chuyển thực chất, bền vững và đột phá góp phần thực hiện tầm nhìn đưa Hà Nội trở thành Thành phố thông minh – xanh – hiện đại vào năm 2045.

Từ đó, Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất 6 chương trình nghiên cứu chiến lược phối hợp cùng TP Hà Nội phục vụ tăng trưởng GRDP và phát triển bền vững của Thủ Đô, bao gồm: hệ sinh thái AI đô thị Hà Nội; phát triển công nghiệp công nghệ cao quy mô nhỏ; chợ công nghệ số và nền tảng thương mại hóa tri thức; xây dựng bản đồ số năng suất và tác động của hoạt động khoa học và công nghệ Hà Nội; hình thành Trung tâm mô phỏng – dự báo rủi ro đô thị; chương trình nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục thông minh... Theo GS.TS Lê Anh Tuấn, những giải pháp này không chỉ phục vụ cho tăng trưởng GRDP mà còn nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các đơn vị trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, TS Vũ Xuân Hùng – Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Khu công nghiệp TP Hà Nội cho rằng, việc xây dựng một liên minh hành động giữa các trường đại học, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý sẽ tháo gỡ những nút thắt về nhân lực, chuyển giao công nghệ và ứng dụng sáng tạo vào thực tiễn. Đồng thời TS Vũ Xuân Hùng cũng chỉ ra rằng, các khu công nghệ cao tại Hà Nội cần chuyển mình từ vai trò “cầu nối” thụ động sang “hub” – trung tâm hội tụ, phát triển và lan tỏa công nghệ mới. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận các sáng kiến, kết quả nghiên cứu từ các trung tâm đổi mới để áp dụng vào sản xuất, dịch vụ, mở rộng quy mô sản xuất và thương mại hóa sản phẩm sáng tạo.

Để góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW trong thời gian tới, TS Vũ Xuân Hùng cho rằng, nên đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận thực tiễn sản xuất - nghiên cứu ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, mô hình phối hợp đào tạo linh hoạt theo nhu cầu doanh nghiệp cũng được khuyến khích, nhằm nâng cao năng lực đáp ứng thực tế của sinh viên sau tốt nghiệp. Đồng thời, các chính sách ưu đãi đặc thù cũng đang được xây dựng với kỳ vọng sẽ thu hút và giữ chân đội ngũ chuyên gia công nghệ cao làm việc lâu dài trong môi trường nghiên cứu hiện đại, cởi mở. Đặc biệt, nỗ lực hình thành một không gian thử nghiệm mở cho các ý tưởng công nghệ - nơi các sáng kiến không chỉ dừng lại ở nghiên cứu mà còn có cơ hội phát triển thành sản phẩm thực tiễn - đang được kỳ vọng sẽ góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

TS Vũ Xuân Hùng cũng cho biết, trong thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp TP Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò cầu nối, chủ động tham mưu cơ chế chính sách với TP, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà trường để cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW trên địa bàn Thủ đô.

Có thể thấy, tại TP Hà Nội, tiềm năng hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp, khu công nghệ cao và các cơ sở giáo dục – đào tạo là rất lớn, việc thiết lập một mô hình hợp tác hiệu quả và thực chất giữa bốn chủ thể (chính quyền TP Hà Nội, doanh nghiệp, khu công nghệ cao và cơ sở giáo dục đại học – cao đẳng) sẽ tạo ra hiệu quả vượt trội trong thúc đẩy khoa học, công nghệ. Đây không chỉ là giải pháp khắc phục những điểm nghẽn hiện hữu mà còn là đòn bẩy để kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ, chủ động, bền vững và tạo ra sức bật cho tăng trưởng kinh tế – xã hội của Thủ đô và đóng góp vào phát triển quốc gia.

Đẩy mạnh tín dụng cho khoa học công nghệ, hạ tầng chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng

Đẩy mạnh tín dụng cho khoa học công nghệ, hạ tầng chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đề xuất lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Đề xuất lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

06 May, 10:51 AM

Kinhtedothi - Sáng 6/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó, đề xuất quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ