Hà Nội: Hơn 11.000 lao động khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được hỗ trợ

Thủy Tiên - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến 17h ngày 25/6/2020, số người được phê duyệt hỗ trợ là 11.575 người với kinh phí 11.764,6 triệu đồng, ở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác xét duyệt và chi trả hỗ trợ cho các đối tượng.

Tại Hội nghị giao ban công tác quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 của UBND TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng Dân báo cáo về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, tính đến 20/5/2020, theo tổng hợp từ báo cáo của các quận, huyện, thị xã, Thành phố cơ bản đã hoàn thành công tác chi trả cho 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo). Đã có 385.516/385.683 người được nhận hỗ trợ với kinh phí là 474,2 tỷ đồng.
 Phó Giám đốc Sở Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng Dân báo cáo về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Trong đó, đối tượng người có công với cách mạng: 76.630 người, với số tiền 114,8 tỷ đồng (bao gồm, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 51.332 người; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng là 965 người; thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 24.339 người).
Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: 171.143 người, với số tiền 256,1 tỷ đồng; Nhân khẩu thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố: 20.891 người, với số tiền 15,7 tỷ đồng; Nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố: 116.852 người, với số tiền 87,6 tỷ đồng; Tỷ lệ chi trả toàn Thành phố đạt 99.97%, làm tròn là 100%. Còn 167 đối tượng chưa nhận hỗ trợ vì các đối tượng này hiện đang vắng mặt tại nơi cư trú.
Sở đã thành lập đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và tại các hộ dân có đối tượng thụ hưởng. Kết quả kiểm tra cho thấy, các quận, huyện đã tổ chức rà soát, phê duyệt danh sách và tổ chức triển khai hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng, được nhân dân và các đối tượng thụ hưởng đánh giá cao.
Về hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thành phố Hà Nội thực hiện triển khai việc hỗ trợ cho 05 nhóm đối tượng:
Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; Hộ kinh doanh (có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020): Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Kết quả tính đến 17h ngày 25/6/2020, số người được phê duyệt hỗ trợ là 11.575 người với kinh phí 11.764,6 triệu đồng; Số hộ được phê duyệt hỗ trợ là 461 hộ với kinh phí 461 triệu đồng…
Ngoài chính sách của Trung ương và Thành phố, một số quận, huyện đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ cho cho các giáo viên ngoài công lập trên địa bàn để ổn định cuộc sống. Như huyện Sóc Sơn đã trích nguồn vận động quỹ phòng chống dịch Covid-19 để hỗ trợ 432 giáo viên ngoài công lập, mỗi người 500.000đ/tháng x 3 tháng; tổng kinh phí là 648 triệu đồng.
Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện công tác xét duyệt và chi trả hỗ trợ cho các đối tượng.
Phó Giám đốc Sở Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng Dân cho biết, trong quá trình thực hiện, lãnh đạo Thành phố đã thường xuyên quan tâm, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã để đôn đốc, tìm các giải pháp khắc phục khó khăn nhằm triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ tới các đối tượng một cách nhanh nhất. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và Thành phố tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đối với các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và tuyên truyền về tiến độ chi trả tiền hỗ trợ của các quận, huyện, thị xã đối với các đối tượng được thụ hưởng.
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực, khẩn trương chỉ đạo rà soát và ban hành Quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng trên địa bàn; Chủ động làm việc với Kho bạc nhà nước cấp huyện và các cơ quan liên quan để bố trí kinh phí chi trả cho đối tượng. Hầu hết các quận, huyện, thị xã đều khẩn trương, nghiêm túc trong triển khai thực hiện; nhiều nơi lãnh đạo UBND cấp huyện trực tiếp và bám sát tình hình để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số khó khăn như việc thẩm định các điều kiện để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gặp rất nhiều khó khăn do không có cơ sở để kiểm tra, xác minh mà chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp. Từ đó dễ phát sinh việc trục lợi chính sách.

Công tác rà soát, xác định đối tượng trùng hưởng gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống theo dõi thống nhất, chủ yếu là rà soát bằng phương pháp thủ công nên mất thời gian và độ chính xác không cao, lao động ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương không có dữ liệu đối chiếu trùng hưởng…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần