Hà Nội: Hướng dẫn thực hiện bước bốn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân nhấn mạnh, thời gian từ nay đến ngày diễn ra cuộc bầu cử còn rất ngắn, trong đó dự kiến lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú và tại nơi công tác (nếu có) diễn ra trong vòng 22 ngày, bắt đầu ngay từ ngày mai (21/3). Vì vậy, để thực hiện các nội dung thống nhất, rút gọn, tập hợp thống kê, kết hợp tổ chức các hội nghị lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú đạt hiệu quả cao nhất, đề nghị Ủy ban MTTQ các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung liên quan lấy ý kiến cử tri...

Sáng nay (20/3), Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn thực hiện bước bốn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại điểm cầu chính ở trụ sở UBND TP có Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP chủ trì; cùng dự có các thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Thường trực về công tác bầu cử, đại diện lãnh đạo cơ quan nơi công tác của người tự ứng cử ĐB Quốc hội khóa XV, đại diện lãnh đạo cơ quan nơi công tác của người tự ứng cử ĐB HĐND TP khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026. Dự tại điểm cầu ở 30 quận, huyện, thị xã có Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện, thị xã và Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn.

Hà Nội: Hướng dẫn thực hiện bước bốn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp - Ảnh 1
Quang cảnh Hội nghị "Hướng dẫn thực hiện bước bốn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026" tại điểm cầu trụ sở UBND TP Hà Nội

Tại đây, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã phổ biến cụ thể về Thông báo phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần người ứng cử ĐB Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026 và Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử ĐB Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Tiếp đó, Hội nghị tiến hành thảo luận về các nội dung liên quan. Trong đó, một số ý kiến từ Thường trực Ủy ban MTTQ các quận, huyện như Long Biên, Cầu Giấy, Thạch Thất, Mỹ Đức, Phú Xuyên… trao đổi, thắc mắc về những vấn đề chưa rõ đã trực tiếp được Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đàm Văn Huân giải đáp, hướng dẫn cụ thể.

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đàm Văn Huân nhấn mạnh: Thời gian từ nay đến ngày diễn ra cuộc bầu cử còn rất ngắn, trong đó dự kiến lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú và tại nơi công tác (nếu có) diễn ra trong vòng 22 ngày, bắt đầu ngay từ ngày mai (21/3) và kết thúc vào 13/4. Để thực hiện các nội dung thống nhất, rút gọn, tập hợp thống kê, kết hợp tổ chức các hội nghị lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú đạt hiệu quả cao nhất, đề nghị Ủy ban MTTQ các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung liên quan lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Hiện nay, tổng số người ứng cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND TP và ĐB ở các tỉnh/TP khác gửi về lấy ý kiến trên địa bàn Hà Nội là khoảng 500 người. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sẽ thực hiện bổ, lập danh sách gửi cho MTTQ các quận, huyện; dự kiến ngay từ sáng 22/3. Sau khi nhận được phân bổ này, các quận, huyện, thị xã cần xây dựng tiến độ (theo đúng quy định là MTTQ cấp hiệp thương sẽ thực hiện cùng quận huyện nội dung liên quan lấy ý kiến cử tri nơi cư trú); đề nghị các quận huyện xây dựng tiến độ để đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tham gia cùng. Cùng với những người ứng cử ĐB HĐND quận, huyện và ĐB HĐND xã, thị trấn, MTTQ cấp huyện cũng cần nắm nội dung này để thông tin cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.

 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân phát biểu giải đáp thắc mắc từ các quận, huyện và kết luận Hội nghị

“Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sẽ kiểm soát nội dung liên quan những ứng cử viên ĐB Quốc hội, ĐB HĐND TP cũng như thống nhất kiểm tra, giám sát tại cấp dưới liên quan việc ứng cử ĐB HĐND quận, huyện, thị xã và ĐB HĐND xã, thị trấn. Lưu ý về mẫu biên bản, từng ứng cử viên ĐB Quốc hội và ĐB HĐND có 1 biên bản riêng, nếu ứng cử viên tham gia 2 cấp Quốc hội và HĐND thì có 2 biên bản khác nhau, nếu ứng cử viên có 2 nơi hiệp thương thì cũng cần có 2 biên bản. Năm nay, cuộc bầu cử có một nội dung mới cần quan tâm là tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác mà ứng cử viên không đạt 50% tín nhiệm thì trừ các trường hợp đặc biệt, sẽ không đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ ba. Do đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần lưu ý về ứng xử với những trường hợp không đảm bảo tín nhiệm này, nhằm đảm bảo công bằng, tính nhân văn. Trong đó, cần chuẩn bị những phương án về việc động viên họ cũng như giữ gìn trật tự an ninh nơi lấy ý kiến, để đảm bảo quá trình lấy ý kiến thực sự dân chủ, công bằng, không phân biệt nhưng cũng đảm bảo an ninh và hiệu quả cao nhất” - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đàm Văn Huân nêu rõ.