Hà Nội: Hướng đi nào cho nhân viên kỹ thuật chăn nuôi, thú y cấp phường?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo chế độ, việc làm cho 154 nhân viên kỹ thuật chăn nuôi, thú y thuộc các phường sau Công văn số 3732 của Sở NN&PTNT Hà Nội, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã đề xuất TP và các Sở, ban ngành chuyển các đối tượng này sang hoạt động không chuyên trách.

Đồng loạt kêu cứu
Ngày 23/11/2020, 154 nhân viên kỹ thuật chăn nuôi, thú y của các phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội ký đơn kêu cứu gửi đến Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh và các ban ngành do sắp phải chấm dứt hợp đồng theo Công văn số 3732.
Cụ thể, trong đơn kêu cứu gửi lãnh đạo TP và các ban ngành chức năng, các cán bộ ngành chăn nuôi thú y của các phường, thị trấn ở Hà Nội nêu rõ: "Chúng tôi là 154 nhân viên kỹ thuật chăn nuôi thú y tại các phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội đang rất trăn trở, mất ăn, mất ngủ vì sắp tới phải chấm dứt hợp đồng lao động theo Công văn số 3732", kèm theo là danh sách 154 nhân viên (81 người từ ngày 1/12/2020 và 73 người từ ngày 1/1/2021).
Từ trước tới nay, toàn bộ công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và nhiều công việc khác liên quan đến gia súc gia cầm của từng phường đều do lực lượng này đảm nhận. Tuy mức lương và phụ cấp rất thấp nhưng nhiều năm qua, các cán bộ, nhân viên trong lực lượng vẫn luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Tổ chuyên trách bắt chó thả rông quận Thanh Xuân
Qua tìm hiểu được biết, trước năm 2013, 154 nhân viên thú y có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng theo Công văn 3732 là các cán bộ thú y được UBND các phường ký hợp đồng ký 1 lần/năm và được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,0 mức lương tối thiểu, không được đóng bảo hiểm.
Cuối năm 2012, đội ngũ này được chuyển giao nguyên trạng về Sở NN&PTNT quản lý, được hưởng lương quy định đối với nhân viên hợp đồng lao động làm công tác chăn nuôi thú y; trồng trọt bảo vệ thực vật tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, họ không được tăng bậc lương theo quy định.
Ngày 6/11/2019, HĐND TP Hà Nội có công văn phúc đáp tờ trình số 198 của UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của UBND TP về việc điều chỉnh biên chế trong nội bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội. Cụ thể, chuyển 177 chỉ tiêu biên chế viên chức làm nhân viên kỹ thuật chăn nuôi thú y tại 177 phường, thành 177 chỉ tiêu biên chế viên chức làm nhân viên kiểm soát giết mổ và giao số chỉ tiêu này về Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và Chẩn đoán xét nghiệm điều trị bệnh động vật, trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội.
Tuy nhiên tới nay, việc xét tuyển chưa thấy mà quyết định ngừng hợp đồng lao động thì đã có. Từ thực tế này, 154 nhân viên thú y xã phường đề nghị lãnh đạo TP cho họ cơ hội được tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến và được xét tuyển viên chức như ý kiến của HĐND TP đã phê duyệt.
Vẫn có vai trò nhất định      
Chia sẻ về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay trong Luật thú y quy định, chỉ thực hiện làm vệ sinh thú y ở các cơ sở giết mổ, vì vậy lực lượng nhân viên kỹ thuật chăn nuôi, thú y cấp phường không phải đi kiểm tra ở các nhà hàng, khách sạn. Thêm vào đó, ngày 7/7/2020, HĐND TP ban hành Nghị quyết về vùng cấm chăn nuôi trong nội thành. Do đó hoạt động của nhân viên thú y cấp phường sẽ giảm đầu việc. Vì vậy, từ 1/1/2020, theo quy định sẽ chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhân viên kỹ thuật chăn nuôi, thú y của 177 phường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, mặc dù các quận nội thành cấm chăn nuôi nhưng lực lượng nhân viên kỹ thuật chăn nuôi, thú y cấp phường vẫn có vai trò nhất định. Ngoài vai trò là thành viên của các đoàn công tác về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, lực lượng này còn phối hợp với các huyện trong việc kiểm soát thực phẩm ở nội thành để quản lý dịch bệnh. Đặc biệt, TP đang thực hiện xây dựng vùng an toàn bệnh dại tại các quận nội thành, vì vậy vai trò của các nhân viên này rất quan trọng trong việc quản lý đàn chó, mèo, tiêm phòng.
Mặt khác, việc đột ngột chấm dứt hợp đồng sẽ khiến đời sống của lực lượng nhân viên thú y này gặp khó khăn. Bởi đây đều là cán bộ đã công tác nhiều năm trong ngành, có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi, việc làm cho lực lượng này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang đề xuất lên TP và các Sở, ngành, chuyển toàn bộ 154 nhân viên kỹ thuật chăn nuôi, thú y này sang hoạt động không chuyên trách, chế độ do TP quy định, được tham gia bảo hiểm xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần