Hà Nội hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Trần Long - Thuỳ Linh - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu của chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII là phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…

Trình bày Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, mục tiêu của chương trình là đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới với tiêu chí cao hơn quy định của Chính phủ, theo hướng phát triển đô thị với mục tiêu tổng quát là: Xây dựng nông thôn mới cần thực chất, thiết thực, hiệu quả và bền vững gắn với quá trình đô thị hóa; phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu…
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trình bày Dự thảo Chương trình số 04-CTr/TU tại hội nghị
Theo đó, hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường. Cùng với đó sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh… Qua đó, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân, bảo đảm an sinh xã hội với các gia đình chính sách ở nông thôn.
Chương trình cũng đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm đạt 2,5-3%; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 70%. Thành phố đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thu nhập bình quân của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm…
Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 22 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Trong đó gồm 7 nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Nông thôn mới; 10 nhiệm vụ trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; 5 nhiệm vụ giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.
 Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020), trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư là 83.700 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 8.980 tỷ đồng.