Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội hủy các dự án chậm triển khai: Hết ôm đất… chờ thời

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nội tại câu chuyện các DN “găm” đất cả thập kỷ đã và đang phát sinh nhiều hệ luỵ.

Bức xúc nhất là tình trạng hoang phí tài nguyên đất, sự khốn đốn của hàng ngàn hộ dân đi không nỡ, ở chẳng xong do dự án treo. Vì vậy, Chỉ thị “hủy các dự án triển khai quá 3 năm” của UBND TP Hà Nội mới đây được xem là quyết sách quyết liệt với DN cố tình ôm đất, đặc biệt là các lô đất "vàng”.
Qua nhiều năm vẫn độc tấm bảng

Theo đánh giá, hiện nay trên địa bàn Thủ đô vẫn tồn tại không ít dự án mà ở đó, qua bao năm chủ đầu tư mới chỉ cắm độc tấm bảng vẽ quy hoạch dự án, chứ chưa triển khai thực hiện. Thực chất, đây là hành vi bao chiếm đất, còn các chủ dự án không đủ năng lực tài chính, họ chỉ “chạy” dự án rồi chờ thời cơ sang tay, hợp tác, Nhà nước không thu được gì.
Một khu đất chậm triển khai xây dựng trên đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
Đơn cử, dự án đầu tư xây dựng Toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại tại ô số 3 khu đất vàng 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) của Công ty CP Đầu tư phát triển Văn phòng với 2.810m2 được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009. Tuy nhiên, hơn 9 năm trôi qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ, khiến không ít khách hàng khốn khổ khi hợp tác đầu tư góp vốn. “Theo quy định tại Điều 4 của 3 hợp đồng đã ký kết với ông Lê Quang Vinh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Văn phòng, sau khi nhận góp vốn hơn 6 tỷ đồng (từ 3 khách hàng), Công ty chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đầu tư, triển khai dự án theo đúng thiết kế, đảm bảo hoàn thành các thủ phục pháp lý cần thiết và khởi công xây dựng tòa nhà trong thời hạn quý IV/2011. Song, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chẳng những không thực hiện dự án mà còn chây ì hoàn trả tiền cho khách hàng” – bà Trịnh Bích Hiền bức xúc.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Giao Sở TN&MT rà soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai (nhất là các dự án, công trình trọng điểm) và các trường hợp có quyết định thu hồi đất trước ngày 10/7/2014; làm rõ nguyên nhân và kế hoạch, biện pháp khắc phục để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa đất vào sử dụng; báo cáo TP trước ngày 30/4/2018.

Không chỉ các dự án nhà ở, văn phòng, tại quận Hoàng Mai, dự án bệnh viện nghìn tỷ cũng chung cảnh ngộ. Cụ thể, năm 2008, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 35.957m2 đất tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) giao cho Công ty CP bệnh viện đa khoa Quang Trung để xây dựng bệnh viện đa khoa Quang Trung với tiến độ đề ra là 18 tháng. Thế nhưng, đến nay, dự án vẫn đắp chiếu cả thập kỷ. “Dự án này liên quan gần 300 hộ dân bị thu hồi đất nhưng kéo dài nhiều năm. Dù được quận phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB nhưng DN chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện. Quận và Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị TP thu hồi dự án bởi treo quá lâu”, một vị cán bộ phường cho hay.

Bài toán hậu thu hồi

Trao đổi với báo Kinh tế& Đô thị, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ quyết tâm này của lãnh đạo Hà Nội về việc rà soát và chuẩn bị triển khai thu hồi các dự án chậm triển khai, khiến nhiều khu đất “quây tôn”, bỏ hoang khiến bộ mặt Thủ đô nhếch nhác. Thế nhưng ông cũng cho rằng, việc thực hiện không dễ. “Giả sử, Hà Nội cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai ở khu vực trung tâm, bước tiếp theo sẽ làm gì? Chẳng lẽ để không, đắp chiếu hay thành sân vận động? Đất thu hồi TP tiến hành đấu giá hay giải quyết thế nào cần tính toán kỹ càng. Đặc biệt, khi hậu thu hồi dự án, Hà Nội còn phải tính đến phương án trả lại tiền vốn cho chủ đầu tư. Chi phí ấy ai trả? lấy tiền ở đâu?... Nếu thu hồi một, hai dự án còn xoay xở được nhưng hàng chục dự án sẽ rất khó cho Hà Nội?", TS Phạm Sỹ Liêm phân tích.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội TS Đào Ngọc Nghiêm cũng nhận định, thu hồi là đúng nhưng thu hồi làm gì cần xem xét bài học kinh nghiệm từ việc di dời trụ sở các Bộ, ngành, trường Đại học, Bệnh viện và cơ sở ô nhiễm. Việc di dời được Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, song đến nay cũng chưa có nhiều chuyển biến. Phải chăng từ chủ trương mới này của Thủ tướng cần có giải pháp mạnh mẽ hơn của chính quyền địa phương. Bên cạnh thu hồi, đặt ra mục tiêu khai thác đất vàng vì mục tiêu đô thị chứ không đơn thuần để gia tăng các công trình cao tầng phục vụ lợi ích nhóm.

“Vướng mắc nhất là những dự án đã thu tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách. Đồng thời, DN đã triển khai một vài hạng mục trên đất như quây hàng rào, khoan thăm dò địa chất…. nay thu hồi, Hà Nội khó có tiền hoàn trả cho chủ đầu tư ngay lập tức. Do đó, cần có cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Có thể đền bù những tổn thất cho các chủ đầu tư sau khi có được nguồn tiền từ việc bán đấu giá những mảnh đất đó. Không thể vì quyền lợi của một vài chủ đầu tư kém năng lực mà để hoang những ô đất trong trung tâm Thủ đô được” – ông Nghiêm nhấn mạnh.
 

"Quyết sách thu hồi dự án quá 3 năm không thực hiện của UBND TP Hà Nội là hết sức đúng đắn trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi, thu hồi phải xét trên 2 khía cạnh để tạo sự công bằng cho DN. Đối với dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng DN không đủ năng lực triển khai, ôm đất chờ thời để tìm cơ hội chuyển nhượng kiếm lời hay vì mục đích không đúng nào khác thì cần kiên quyết phải thu hồi. Đối với dự án chậm triển khai nhưng không phải do lỗi của DN mà do vướng về thủ tục hay công tác giải phóng mặt bằng, đền bù,… thì TP Hà Nội cần xem xét, có giải pháp tháo gỡ giúp DN để họ không bị thiệt thòi. Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không vòng tròn “dự án đen” lại tái diễn." - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính


 

"Chủ trương thu hồi các dự án chậm triển khai quá 3 năm về mặt tinh thần là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, về thực tiễn cho thấy, dính đến vấn đề đất đai sẽ gặp vướng mắc rất nhiều về mặt khách quan lẫn chủ quan. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến những yếu tố khách quan, vượt ngoài khả năng kiểm soát của các chủ đầu tư như: Cơ chế chính sách thay đổi, rủi ro về tín dụng, các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án bị chậm do cơ quan quản lý phê duyệt kéo dài, khâu GPMB vướng mắc...Trong khi, đầu tư một dự án bất động sản đòi hỏi quy trình chuẩn, một khâu nhỏ "tắc" dẫn đến những khâu còn lại bị đình trệ. Từ thực tế đó, nên chăng thu hồi các dự án cố tình chây ì không triển khai (đã nhắc nhở phân tích, các cơ quan quản lý cần xem xét hỗ trợ và tháo gỡ cùng DN. Về mặt dài hơi, chủ trương này cần hoàn thiện về mặt vĩ mô, hoàn chỉnh cơ chế chính sách trên tinh thần "có lý, có tình". - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Reenco Sông Hồng Nguyễn Thế Điệp