Hà Nội kết nối cung - cầu lao động

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc hình thành hệ thống sàn và điểm giao dịch việc làm vệ tinh, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có trên 15.000 lao động kết nối với DN. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành khá tâm đắc khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về mô hình này.

Thưa ông, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội triển khai những hoạt động nào để kết nối cung – cầu lao động?
- Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã đổi mới hình thức giao dịch, đặc biệt là hệ thống sàn việc làm. Chúng tôi vẫn duy trì tần suất tổ chức phiên giao dịch ngày thứ 3 và 5 hàng tuần. Song, thực hiện đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch, năm 2016, Trung tâm khai trương 7 điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại quận Long Biên, Nam Từ Liêm và huyện Ứng Hòa, Hoài Đức, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm khai trương thêm 2 điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại huyện Đông Anh và Ba Vì.

Hoạt động của cả hệ thống giao dịch việc làm từ trung tâm đến sàn và điểm vệ tinh có sự đồng nhất nên khá hiệu quả. Đã có trên 15.000 lao động được kết nối trực tiếp thông qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm và các sàn, điểm vệ tinh. DN và người lao động (NLĐ) đánh giá cao hoạt động kết nối cung – cầu lao động trên địa bàn TP của Trung tâm.

Ông có góp ý gì về việc xây dựng cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động trong cả nước mà Bộ LĐTB&XH đang triển khai tại tất cả các tỉnh, TP?

- Việc triển khai thu thập nguồn thông tin cung - cầu lao động thông qua ghi chép biến động ở các hộ gia đình và DN là định hướng rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta nên tính hình thức triển khai cho phù hợp. Hiện nay, những người thu thập thông tin cung – cầu lao động ở cấp xã, phường là tổ trưởng, cán bộ lao động. Sau đó, số liệu sẽ được chuyển về tỉnh, T.Ư để cập nhật vào phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia.

Chúng tôi cho rằng, để hoạt động này tốt hơn, trong thời gian tới, rất cần đổi mới về phương pháp và hình thức khai thác thu thập cơ sở dữ liệu. Lực lượng đi thu thập số liệu, điều tra nguồn cung cầu cần được tập huấn để nắm bắt rõ mục đích hoạt động. Và phải có sự vào cuộc của UBND các tỉnh, TP đến cấp phường/xã, cùng với ngành LĐTB&XH tiến hành các hoạt động đảm bảo và đạt chất lượng tốt hơn; cũng như đáp ứng được nhu cầu sử dụng số liệu cung - cầu việc làm của các sở, ngành.

Tới đây, Phòng phân tích dự báo thị trường lao động của Trung tâm sẽ có định hướng nghiên cứu và dự báo thị trường lao động thế nào, thưa ông?

- Phòng phân tích dự báo thị trường lao động của Trung tâm hình thành theo Đề án của UBND TP Hà Nội về Nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm. Bước đầu chúng tôi xây dựng thông tin thị trường lao động đảm bảo, có tính lâu dài để phân tích, đánh giá, dự báo. Chúng tôi đã hỗ trợ các địa phương đánh giá thị trường lao động, trong đó có khối DN FDI, lao động di cư... từ đó đưa ra dự báo ngắn, trung hạn và có định hướng đáp ứng nhu cầu hoạt động của đơn vị. Các cấp, ngành có thể sử dụng kết quả này để hoạch định chính sách phát triển thị trường lao động của TP trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!