Hà Nội: Kết nối cung - cầu nguyên liệu cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ

Nguyễn Trọng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/10, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị “Kết nối cung cầu nguyên liệu “đầu vào” ngành thủ công mỹ nghệ giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc”. Đại diện Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và trên 100 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc tham dự hội nghị.

Ở nước ta, nghành công nghiệp thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Việt Nam. Hơn nữa, nghành đóng góp lớn cho sự phát triển của các vùng nông thôn, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Không những vậy, nghành thủ công mỹ nghệ cũng góp phần giảm khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn và giảm nghèo.

Theo hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu người ở hơn 2.000 làng nghề trên khắp đất nước. Hàng TCMN hiện đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Rất nhiều nhóm sản phẩm cụ thể được đánh giá cao trên thị trường như hàng mây tre đan, các sản phẩm sơn mài, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lụa, các loại hoa giả.
 Hội nghị “Kết nối cung cầu nguyên liệu “đầu vào” ngành thủ công mỹ nghệ giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc”
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện, nguồn cung chính cho các làng nghề mây tre đan của Hà Nội là từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung và một phần nhập khẩu từ nước ngoài; nguồn cung nguyên liệu ngành gốm sứ chủ yếu từ các tỉnh có nguồn cao lanh chất lượng như Hải Dương, Quảng Ninh, Phú Thọ... 
Tuy nhiên, nguồn cung nguyên liệu "đầu vào" cho ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội những năm qua chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thiếu ổn định cả về thời gian giao hàng, số lượng lẫn chất lượng nguyên liệu, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là khi triển khai những đơn hàng lớn.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, các bộ, ngành liên quan có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu ổn định, khoa học, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng để doanh nghiệp ổn định sản xuất.
 Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng phát biểu tại hội nghị
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đơn vị bao tiêu sản phẩm, mở rộng sản xuất, mà còn hướng đến mục tiêu kết nối doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ Thủ đô với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố phía Bắc và trên cả nước thành chuỗi từ cung cấp nguyên liệu, đến sản xuất, phân phối sản phẩm, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị cao.