Chiều 8/4, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo T.Ư làm việc với Thành ủy Hà Nội về kết quả 10 năm thực hiện Kết luận 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; 5 năm thực hiện Kết luận 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng trên địa bàn TP Hà Nội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai - Trưởng đoàn kiểm tra và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng chủ trì hội nghị.
Tham gia buổi làm việc, về phía đoàn kiểm tra có Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Liện hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Phó trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Phước Lộc; Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong... Về phía TP Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND TP...
Báo cáo của Thành ủy Hà Nội do Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch UB MTTQ TP Nguyễn Lan Hương trình bày cho thấy, sau 10 năm thực hiện Kết luận 62-KL/TW của Bộ Chính trị, hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội TP đã có nhiều chuyển biến tích cực và khắc phục được tình trạng “hành chính hóa” trong tổ chức, hoạt động.
Ngoài ra, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; làm tốt công tác thu hút, tập hợp các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Nổi bật, trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Nhân dân Thủ đô đã hiến hàng triệu m2 đất và ngày công để mở đường giao thông, xây dựng, nâng cấp đường làng, ngõ xóm, các công trình giáo dục, y tế, thủy lợi nội đồng...
Thành ủy Hà Nội khẳng định, thông qua hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy vai trò làm chủ của đoàn viên, hội viên cùng các tầng lớp Nhân dân; tích cực tham gia giám sát các cơ quan chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tham gia phản biện, đóng góp xây dựng những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của TP liên quan đến quyền, lợi ích của mình. Đồng thời, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng là tổ chức đại diện cho các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Về kết quả 5 năm thực hiện Kết luận 102-KL/TW của Bộ Chính trị, theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP có 3.662 hội quần chúng với tính chất, quy mô và phạm vi hoạt động khác nhau. Trong đó, có 149 hội hoạt động trong phạm vi TP, 338 hội hoạt động trong phạm vi quận, huyện, thị xã và 3.175 hội hoạt động trong phạm vi xã, phường, thị trấn.
Điểm nổi bật sau 5 năm thực hiện Kết luận 102-KL/TW trên địa bàn TP là nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân về hội quần chúng có chuyển biến rõ nét; công tác quản lý Nhà nước về hội quần chúng ngày càng được quan tâm, bài bản và chặt chẽ hơn.
Đáng chú ý, nhận thức của các hội quần chúng đã có sự thay đổi căn bản, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của TP; xác định rõ và nhận thức đúng về tính chất của hội quần chúng là tổ chức xã hội, tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, không hành chính hóa các hội. Hoạt động của các hội ngày càng đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa, phát huy vai trò trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này đã góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của TP và đóng góp tích cực vào công tác xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngoài ra, các hội quần chúng trên địa bàn TP đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân tích cực tham gia hoạt động xã hội từ thiện, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiện tai thông qua các chương trình như: Xây sửa nhà, tặng bò sinh sản, tặng học bổng, xe lăn cho người tàn tật... Trong 5 năm qua, các hội quần chúng đã vận động trên 490 tỷ đồng và trợ giúp trên 1,2 triệu lượt người trên địa bàn TP, các tỉnh, thành trên cả nước.
Tại buổi làm việc, các đồng chí trong đoàn kiểm tra đã trao đổi, làm rõ những kết quả trong hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn TP Hà Nội; vấn đề còn tồn tại, hạn chế để phân tích, góp ý và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới. Đặc biệt, đoàn kiểm tra cũng tập trung trao đổi về những kinh nghiệm của Hà Nội trong việc khắc phục việc “hành chính hóa” trong hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúng; kinh nghiệm trong đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao tính tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động...
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai - Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao những nội dung tổng kết, báo cáo đầy đủ, toàn diện các mặt hoạt động cũng như khó khăn, vướng mắc trong công tác đổi mới hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng của Thủ đô theo 2 kết luận của T.Ư. Thay mặt Đoàn kiểm tra, đồng chí Trương Thị Mai cám ơn TP Hà Nội đã hợp tác, làm rõ nhiều vấn đề lý luận, thực tế trong 2 lĩnh vực và từ đó chỉ ra nhiều nguyên nhân, bài học kinh nghiệm quý báu để triển khai, thực hiện Kết luận số 62 và 102 trong tình hình mới.
Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao ý nghĩa, kết quả buổi làm việc của Đoàn công tác về 2 nội dung, lĩnh vực công tác quan trọng của TP. Theo Bí thư Thành ủy, TP luôn quan tâm, ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai 2 văn bản Kết luận số 62 và 102-KL/TW của Bộ Chính trị và đã thực hiện với nhiều kết quả tích cực trên địa bàn. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội hoan nghênh và nghiêm túc tiếp thu các đánh giá, kiến nghị của Đoàn công tác. Đồng thời, coi đây là một trong những cơ sở chỉ đạo để TP tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy các kết quả, khắc phục những hạn chế, tồn tại, tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng trên địa bàn Thủ đô.