Hà Nội không chủ quan với dịch sởi, tay chân miệng

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh 3 tháng cuối năm 2018.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, trong 9 tháng đầu năm 2018, Hà Nội ghi nhận 398 trường hợp mắc sởi, 1.126 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1.639 trường hợp mắc tay chân miệng, 64 trường hợp mắc ho gà, 13 trường hợp mắc liên cầu lợn, 8 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, 3 trường hợp mắc bệnh dại, 2 trường hợp mắc viêm não mô cầu…
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo nhận định tình hình dịch bệnh, dự báo dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Nguyên nhân do dịch sởi tại Hà Nội nằm trong bối cảnh chung của tình hình dịch sởi trên thế giới và tại Việt Nam. Năm 2018-2019, bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm (tại Hà Nội dịch bệnh sởi xuất hiện và bùng phát vào năm 2014). Dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi của Hà Nội luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (từ 95%-97%) nhưng hằng năm vẫn còn khoảng 3-5% trẻ không được tiêm vaccine sởi là đối tượng dễ mắc bệnh.
Riêng với dịch bệnh tay chân miệng, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận từ 40-50 trường hợp mắc/tuần. Dù số trường hợp mắc tay chân miệng 9 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng không có trường hợp tử vong, không ghi nhận ổ dịch lớn nhiều bệnh nhân. Hầu hết các trường hợp mắc đều ở mức độ nhẹ (độ 1). Ngày 2/10 vừa qua, Sở Y tế đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tăng cường công tác phòng, chống tay chân miệng. Trong đó, chú trọng tăng cường đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, nhà trẻ, nhóm trẻ nhiêm túc thực hiện phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Với bệnh sốt xuất huyết hiện, Phó Giám đốc Sở Hoàng Đức Hạnh cho biết, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành thường xuyên tại Hà Nội. Mặt khác, các yếu tố nguy cơ như: Ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ… là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển nên nguy cơ dịch bệnh có thể gia tăng vào cuối năm nay. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh tại 63 bệnh viện từ tuyến T.Ư, bộ, ngành đến các bệnh viện tuyến cơ sở và một số bệnh viện tư nhân với tần suất giám sát 3-4 lần/tuần để phát hiện sớm ca bệnh. Từ nay đến cuối năm, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan cần quyết liệt hơn nữa cho công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch bênh tay chân miệng nói riêng, trong đó tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục như: Trường tiểu học, mầm non, mẫu giáo và các nhóm trẻ gia đình.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, cơ bản Hà Nội đã kiểm soát được các dịch bệnh trong 9 tháng đầu năm, không có dịch lớn bùng phát. “Chúng ta dự báo tình hình dịch trong những tháng cuối năm không có đột biến nhưng không được chủ quan. Do vậy, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh môi trường, tuyên truyền người dân đưa trẻ đi tiêm phòng. Phấn đấu 95% trẻ dưới 2 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng sởi. Trong trường hợp xuất hiên các ổ dịch cần làm tốt công tác phân loại, thu dung bệnh nhân trong bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo. Sở Y tế cũng cần chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, hóa chất, thuốc men trong phòng dịch” – Phó Chủ tịch yêu cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần