Hà Nội không còn vùng “trắng” xe buýt

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/6, đoàn khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) về “Đề án phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt”.

Đoàn khảo sát tìm hiểu tại Trung tâm Điều hành xe buýt của Transerco

Theo Phó Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Công Nhật, trong lĩnh vực VTHKCC, toàn Tổng Công ty từ năm 2011 đến tháng 4/2018 đã nâng số tuyến buýt từ 53 lên 75, với tổng chiều dài tuyến từ 1.253,5km lên 2.278,8km. Về triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025” đã được TP thông qua, giao Tổng Công ty thực hiện, đến nay đơn vị cũng đạt kết quả khả quan.
Trong đó, năm qua đã tăng tần suất 4 tuyến buýt bến nối bến, phục vụ nhu cầu hành khách tại các bến Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình; điều chỉnh vận hành 8 tuyến buýt khi tuyến BRT01 đi vào hoạt động; đưa vào vận hành 1 tuyến buýt nhanh BRT và mở mới 17 tuyến buýt… Quý I/2018, đơn vị tiếp tục điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình tuyết buýt số 47 theo kiến nghị của xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm), mở mới tuyến buýt 108.

Việc mở mới các tuyến gần đây đã góp phần tăng tính kết nối của toàn mạng buýt, với các tuyến mới đã mở rộng vùng phục vụ đến cả 30 quận, huyện, không còn vùng “trắng” xe buýt. 2 năm qua, đơn vị còn đầu tư 320 xe buýt mới để mở mới tuyến, thay xe cho các tuyến đang vận hành. Đồng thời, Transerco cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác điều hành và công nghệ phục vụ quản lý điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ, tiện ích cho hành khách…

Tại buổi làm việc, đoàn khảo sát đánh giá: Hoạt động VTHKCC nói chung và xe buýt trên địa bàn nói riêng hàng năm đều được Thành ủy chỉ đạo, HĐND TP đã ban hành nghị quyết về ưu tiên phát triển HKCC, được các cấp, ngành triển khai thực hiện bước đầu có kết quả. UBND TP cũng đã ban hành đề án phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC cho 2 giai đoạn, nhất là sau khi đề án giai đoạn 2016-2020 được ban hành, các đơn vị đã tích cực vào cuộc, đưa VTHKCC bằng xe buýt đạt hiệu quả cao. Transerco là đơn vị chủ lực đã chủ động cố gắng triển khai, từ đào tạo con người đến ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh của DN và chất lượng phục vụ hành khách.
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân phát biểu​ tại buổi làm việc
Ghi nhận kết quả Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã đạt được trong triển khai Đề án, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân cũng cho rằng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng (như nhà chờ xe buýt có mái che…) chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu của hành khách, đòi hỏi TP quan tâm đầu tư hoặc có chính sách xã hội hóa để đáp ứng tốt hơn; trong tổ chức phương tiện, số xe được nâng chất lượng đáp ứng yêu cầu vận chuyển hành khách cũng còn hạn chế so với nhiệm vụ đặt ra.
Việc tổ chức giao thông để đảm bảo xe buýt đi nhanh, đúng giờ thực tế cũng chưa được thực hiện hiệu quả. Vì vậy, Transerco với trách nhiệm được giao chủ trì xây dựng Đề án cần phối hợp chặt hơn với Sở GTVT rà soát kỹ Đề án, dự báo chính xác các vấn đề đặt ra từ nay đến 2025, cập nhật các nội dung Đề án gắn với Nghị quyết 04 của HĐND TP về hạn chế phương tiện cá nhân, tìm ra giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, Trưởng đoàn khảo sát đề nghị đơn vị quan tâm nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành, ứng dụng CNTT để kết nối Trung tâm điều hành xe buýt của Tổng Công ty với các đơn vị trực thuộc. "Về phía sở, ngành TP, cần xem xét giải quyết sớm các kiến nghị của Transerco, bởi nếu không có sự vào cuộc tháo gỡ kịp thời của các sở, ngành với những khó khăn hiện nay, hoạt động VTHKCC của TP khó đáp ứng được mục tiêu đặt ra”, ông Quân nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần