Với phương châm "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018", Hà Nội tiếp tục rà soát, hoàn thiện thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu, các quy trình, các lĩnh vực.
Chính quyền điện tử cơ bản hình thành
Đến nay, Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu 100% DN đăng ký thành lập qua mạng, thời gian thực hiện đăng ký chỉ trong 2 ngày làm việc (trước 1 ngày so với yêu cầu của Luật DN) và trả kết quả sau 2 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ bằng giấy tại cơ quan đăng ký kinh doanh; kê khai thuế điện tử 98,2%; hải quan điện tử 100%; bảo hiểm xã hội 98,3%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được trển khai đến 584/584 xã phường, thị trấn và 10 sở ngành; tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng trong các cơ quan nhà nước đạt trên 94%...
TP tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử. Tập trung triển khai đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đầu cuối để hỗ trợ công dân, DN tiếp cận và sử dụng dịch vụ công ngay tại nhà. Tinh thần quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cắt giảm tối đa TTHC tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức, nhà đầu tư.
Trên cơ sở rà soát tất cả các thủ tục hành chính của các sở ban ngành, sau 1 năm, Hà Nội đã cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính. Cụ thể, thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm từ 40 - 60%; lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30 - 50%... Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ, khung chính quyền điện tử của TP đã cơ bản hình thành, là nền tảng cơ bản thúc đẩy cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN.
Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2020 cả nước có 1 triệu DN. Trong đó, Hà Nội đóng góp khoảng 400.000 DN. Như vậy, mỗi năm Hà Nội cần có 55.000 DN. Năm 2018, Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng và minh bạch, nhằm giữ vững tỷ lệ hồ sơ DN đăng ký trực tuyến và đạt các yêu cầu về cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện. |
Những nỗ lực này bước đầu được người dân, và cộng đồng DN ghi nhận. Cụ thể, 53% DN cho biết "không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký", tăng đáng kể so với con số 49% năm 2016; 49% DN cho biết "cán bộ Nhà nước thân thiện trong giải quyết thủ tục hành chính", tăng mạnh (36%). Với những quyết tâm của chính quyền TP, xếp hạng cải cách hành chính của Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cải thiện qua từng năm. Hà Nội là một trong địa phương cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, thu hút đầu tư đạt kết quả cao.
Từ chính quyền điện tử tới Thành phố thông minh
Năm 2018, Hà Nội tiếp tục tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, phấn đấu số DN thành lập mới tăng 12% trở lên, đến hết năm 2020 toàn TP có 400.000 DN. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 308.000 tỷ đồng tăng 10,5%. Đảm bảo tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến năm 2020 là 70 - 80%... Trước xu thế đổi mới công nghệ 4.0 tốc độ cao song hành với hội nhập, Sở TT&TT khẳng định, công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP tiếp tục được triển khai tích cực và đồng bộ.
Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, "sản xuất thông minh". Tiếp tục tái cơ cấu ngành công nghiệp, thúc đẩy đổi mới công nghệ; ưu tiên lựa chọn những công nghệ tiên tiến, hiện đại sử dụng ít quỹ đất nhưng mang lại giá trị cao nhất; thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch...
Xây dựng chính quyền điện tử, Thành phố thông minh là chủ trương lớn được TP Hà Nội đặc biệt chú trọng là nền tảng quan trọng để Hà Nội phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Hà Nội tập trung hình thành cơ bản nền tảng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển các thành tố thông minh trong lĩnh vực giao thông, du lịch, y tế, môi trường, năng lượng, bảo đảm an ninh trật tự... hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nền tảng kết nối chia sẻ dùng chung.
Không chỉ dừng lại ở quản lý hành chính, thúc đẩy năng suất, xuất khẩu... hỗ trợ tăng trưởng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin còn giải quyết các vấn đề thiết thực trong mọi mặt đời sống như quản lý giao thông, đô thị, y tế, du lịch, cung cấp thông tin về chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng... nâng cao chất lượng sống cho người dân, để Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn...