Hà Nội không thiếu hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch Covid-19

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/3, Bộ Công Thương đã có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác chuẩn bị nguồn cung - cầu thị trường, công tác chuẩn bị hàng hóa thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chiều 21/3

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để đảm bảo nguồn hàng, các DN bán lẻ đã dự trữ một lượng lớn hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Đến nay, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retain (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart)… tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp 300 - 500% so với bình thường. Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ Nhân dân.
Đặc biệt, các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay được các DN dự trữ với lượng lớn, bảo đảm đủ cung cấp cho người dân (Tập đoàn Central Retain chuẩn bị lượng hàng 2,5 triệu chiếc khẩu trang, hệ thống Co.op mart 20 triệu chiếc…). Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp bảo đảm cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đối với mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn, hiện trên địa bàn Hà Nội có 28 đơn vị sản xuất khẩu trang, trong đó 9 đơn vị sản xuất khẩu khẩu trang y tế; 15 DN sản xuất khẩu khẩu kháng khuẩn với năng lực sản xuất 7,8 - 13 nghìn chiếc khẩu trang y tế/tháng (tính cho 26 ngày sản xuất); 8 triệu chiếc /tháng với khẩu trang vải kháng khuẩn. TP đã chỉ đạo Sở Công Thương nắm bắt kịp thời các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nước diệt khuẩn để đáp ứng nguồn cung phục vụ Nhân dân.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Big C

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự chủ động của Hà Nội cũng như của các sở, ngành liên quan trong việc chuẩn bị tốt hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, Hà Nội cần tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thị trường, phối hợp với các DN kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để sản xuất hàng giả, kém chất lượng, nâng giá vật tư y tế; chống đầu cơ tích trữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục quan tâm đến công tác thông tin truyền thông; có các giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN phân phối, sản xuất kinh doanh trên địa bàn hiện đang gặp nhiều khó khăn…
Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nêu rõ, đây không phải là lần đầu tiên TP Hà Nội dự trữ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân mà đã trở thành việc làm thường xuyên trong các dịp Tết, vào mùa mưa bão. Vì vậy, với tình hình diễn biến của dịch, Hà Nội cũng tính đến các tình huống xấu để có công tác chuẩn bị.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh, Hà Nội đã chủ động để đưa ra các tình huống trong thực tiễn, cân đối nguồn ngân sách, bảo đảm hậu cần, cung ứng hàng hóa, xây dựng công tác kiểm soát, phương tiện cung ứng để hàng hóa đến nhanh nhất, không bị xáo trộn với người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần