Hà Nội kiến nghị điều chỉnh chế tài xử phạt với hành vi xâm hại trẻ em

Thủy Tiên - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – TP Hà Nội kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu xem xét, điều chỉnh chế tài xử phạt với một số tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Ngày 27/8, Đoàn Giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP.
Dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc. 
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cuộc làm việc nhằm đánh giá đúng, đầy đủ, khách quan nhất những kết quả đạt được, những vướng mắc về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống, xâm hại trẻ em trên địa bàn Hà Nội. Từ đó làm rõ trách nhiệm của chủ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách, cũng như làm rõ nguyên nhân những kết quả đạt được và những bất cập; đưa ra biện pháp khắc phục.
Diễn biến còn phức tạp
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: Tính đến ngày 30/6/2019, TP Hà Nội có 1.852.454 trẻ em, chiếm 24,9% dân số, với 54.545 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trong đó số trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội (cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, có người nhiễm HIV/AIDS) là 2.154 trẻ em.
Tính từ ngày 01/01/2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn TP có 322 trẻ em bị xâm hại (bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán, bị bỏ rơi…). Từ số liệu trên có thể thấy, tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn TP diễn biến hết sức phức tạp (độ tuổi trẻ bị xâm hại, đối tượng xâm hại trẻ, tính chất mức độ nghiêm trọng của các vụ xâm hại). Mặc dù phương thức thủ đoạn của đối tượng không mới nhưng do nhận thức, đặc điểm tâm lý nên trẻ em vẫn là nhóm tuổi dễ bị xâm hại và có những trường hợp bị xâm hại cũng chưa được phát hiện kịp thời.
Qua tổng hợp các vụ việc xâm hại trẻ em thời gian qua trên địa bàn TP cho thấy: Địa bàn xảy ra các hành vi xâm hại thường là tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ. Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để đạt được mục đích của mình. Đa phần đối tượng xâm hại trẻ em là người có mối quan hệ thân quen với trẻ em.
Thủ đoạn của đối tượng là lợi dụng lòng tin của trẻ em, lợi dụng sự hồn nhiên, trong sáng, không cảnh giác của trẻ/cha mẹ trẻ để thực hiện các hành vi xâm hại. Trẻ em trong các gia đình thiếu vắng sự quan tâm chu đáo của cha mẹ, trẻ em thiếu kỹ năng sống nói chung và kỹ năng tự bảo vệ nói riêng là các trẻ em mà đối tượng xâm hại trẻ hướng đến.
Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em chưa có chiều hướng giảm. Kết quả giải quyết vụ việc xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ trẻ có lúc, có nơi còn chưa đảm bảo, kịp thời và hiệu quả.
 Toàn cảnh buổi làm việc. 
Nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em còn phức tạp là do Hà Nội là đô thị lớn, dân cư đông đúc, tỷ lệ dân nhập cư tăng nhanh, trong đó có nhiều đối tượng hình sự và thành phần dân cư phức tạp. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các trường hợp trẻ em bị xâm hại (do ảnh hưởng của văn hóa phẩm kích động, bạo lực; phim, ảnh khiêu dâm, kích dục trên Internet...).
Đáng lưu ý, do nhận thức về xâm hại trẻ em và hậu quả, tác hại của nó đối với sự phát triển của trẻ em và kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em của người dân, cha mẹ trẻ và chính bản thân trẻ em còn chưa đầy đủ. Đội ngũ cán bộ làm công tác Bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp nhất là cấp cơ sở còn thiếu về số lượng, năng lực, kinh nghiệm công tác bất cập với yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em còn thiếu về số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trong thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện chính sách, pháp luật về công tác trẻ em trong đó có 15 văn bản chỉ đạo, liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đặc biệt, UBND TP yêu cầu UBND các địa phương xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng trên địa bàn có trách nhiệm báo cáo ngay sau khi vụ việc xảy ra bằng điện thoại, email và báo cáo bằng văn bản về kết quả giải quyết vụ việc chậm nhất sau 3 ngày vụ việc được phát hiện.
Bên cạnh đó, UBND TP ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP và UBND các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai thực hiện đồng bộ “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” và xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em.
Cần điều chỉnh chế tài xử phạt nhằm đảm bảo tính răn đe
Tại buổi làm việc, TP Hà Nội đã đưa ra kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu xem xét, điều chỉnh chế tài xử phạt với một số tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
Đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ trẻ em để đảm bảo nguồn lực cơ bản ở các cấp nhất là cấp xã trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với trẻ em....
TP cũng kiến nghị, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cụ thể hóa các quy định trong Luật bằng việc xây dựng các văn bản hướng dẫn và quan tâm chỉ đạo, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ của ngành không chỉ nghiệp vụ mà các vấn đề có liên quan đến kỹ năng, phương pháp tiếp cận, điều tra, xét xử thân thiện với trẻ em để đảm bảo các quyền của trẻ em theo luật định.
"Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể như thế nào là hành vi dâm ô, hành vi quan hệ tình dục khác...", Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị.

Phó Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội Đào Văn Cường cũng thừa nhận, các văn bản pháp luật hiện hành quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em chưa đủ độ răn đe; chưa đưa ra được định nghĩa chính thức về các hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em; chưa quy định nghĩa vụ và thủ tục tố giác bắt buộc đối với hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; thiếu các quy trình và hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của bạo lực, xâm hại (cả trong hệ thống tư pháp và ngoài cộng đồng).

Cùng đó, chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bảo vệ người tố giác, về các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và trách nhiệm của các ban ngành trong tiếp nhận, xử lý, can thiệp, hỗ trợ, phục hồi cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại... Do đó, chưa khuyến khích được nhân dân tích cực phát giác tội phạm, gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật đối với tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã được mở rộng hợn so với Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Trong Bộ luật Hình sự 2015 có quy định “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”, đây là quy định phù hợp với xu thế của sự phát triển xã hội và phù hợp với thực trạng xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác".

Vì vậy, để hiểu được, hiểu đúng cụm từ “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” cũng cần được liên ngành T.Ư sớm có hướng dẫn để việc thực hiện không gặp nhiều khó khăn cũng như tránh bỏ lọt tội phạm.

Nâng cao công tác xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội Đào Văn Cường kiến nghị: Cần có văn bản hướng dẫn, giải thích thống nhất về các khái niệm còn đang mâu thuẫn nhằm đảm bảo cách hiểu thống nhất và vận dụng đồng bộ trong thực tế (hướng dẫn về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, hành vi quan hệ tình dục khác...). Có kế hoạch đào tạo về tâm lý học cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để giải quyết các vụ án có liên quan đến người chưa thành niên trong đó có nhóm tội xâm hại trẻ em; thường xuyên tổ chức việc trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về xâm hại trẻ em trong liên ngành tư pháp.

Liên ngành tư pháp các cấp cần xây dựng Quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan, trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em như chủ động phối hợp để xác minh, điều tra, xử lý từng trường hợp trẻ em bị xâm hại. Trong đó, quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân và trẻ em…

Ngoài ra, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em năm 2016. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự để hình sự hóa đầy đủ các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em…

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xét xử các vụ án hình sự nói chung và các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, bảo vệ tốt hơn việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực tình dục trẻ em, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính kiến nghị, trong thời gian tới, cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp. Trong đó, tăng cường việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự về các tội xâm hại tình dục trẻ em.

“Để bảo đảm thống nhất cách hiểu và áp dụng đúng quy định về các tội xâm hại tình dục trẻ em trong Bộ luật Hình sự vào công tác xét xử, rất cần được TAND Tối cao sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể: Thế nào là hành vi quan hệ tình dục khác; trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân; lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu…” - Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính kiến nghị.

Xây dựng môi trường sống an toàn nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em

Tại buổi giám sát, các ý kiến của Đoàn giám sát đánh giá, 6 tháng đầu năm 2019, các vụ xâm hại trẻ em tăng đột biến một cách kỳ lạ, tại huyện Chương Mỹ cũng vậy. Cần phân tích nguyên nhân để đưa ra giải pháp hợp lý. Phải chăng trước đây do các phương tiện thông tin đại chúng không biết nên nhiều vụ không phát hiện được? Như vậy, năm 2015 chỉ có rất ít vụ thì có chính xác hay không, hay lúc đó chúng ta không phát hiện được?

Ngoài ra, quan điểm áp dụng như thế nào đối với đương sự tuổi cao? Có trường hợp bị cáo được khuyên lấy bị hại, phải chăng có hơi hướng “hòa giải”? Đối với vụ học sinh trường Gateway tử vong, dư luận đang rất bức xúc. Nếu không có thông tin sớm thì đây là một lỗ hổng. Xâm hại trẻ em không chỉ là tình dục, không rõ cháu bé bị xâm hại hay chết do bị bỏ quên trên xe đưa đón? Không ai mong muốn sự việc này xảy ra, nhưng cũng cần có quan điểm thực tế từ chính quyền để đưa ra biện pháp từ xa để ngăn chặn nguy cơ, không đơn thuần chỉ giải quyết hậu quả. Hà Nội có đặt ra việc xây dựng Bộ tiêu chí và quy trình chuẩn môi trường an toàn cho trẻ em hay không?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị

Sau khi nghe trao đổi của các thành viên Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp trả lời một số nội dung. Theo đó, những năm gần đây, công tác bảo vệ trẻ em được báo chí, truyền thông chú ý và thông tin công khai. Mặc dù vẫn còn tỷ lệ nhỏ chưa được biết đến do tâm lý gia đình e ngại không cung cấp thông tin, song, nhìn chung các vụ việc liên quan đến trẻ em được thông tin rất kịp thời. “

“Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm của TP. Chính sách về trẻ em luôn được lồng ghép với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em hằng năm đều nằm trong các nghị quyết chung, được báo cáo thường xuyên trong các kỳ họp HĐND cuối năm. Thời gian tới, TP sẽ xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết và nghiên cứu nâng cấp lên thành nghị quyết riêng của HĐND về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.   

Để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, mặc dù khu vực nội thành còn khó khăn về quỹ đất, tuy nhiên, những năm vừa qua, TP đã thu hồi một số trụ sở của các sở, ban, ngành dành quỹ đất xây dựng trường học. TP phấn đấu đến cuối năm 2020, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp. Cùng với việc tập trung đầu tư đất xây dựng trường học, các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em cũng luôn được chú trọng. TP đã yêu cầu tất cả các nhà cao tầng đều phải đầu tư thiết chế văn hóa cho trẻ; lắp trang thiết bị vui chơi trẻ em tại các khu tập thể, chung cư; khuyến khích đầu tư xã hội hóa các khu vui chơi trẻ em; mỗi điểm trường đều phải có thiết chế văn hóa cho học sinh.

Qua giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra trong thời gian qua là tình hình chung, không phải chỉ riêng tại Hà Nội. Qua báo cáo của các tỉnh, TP, tình hình xâm hại trẻ em diễn ra các nơi có xu hướng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả nghiêm trọng, lâu dài.

“Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, công văn chỉ đạo về công tác phòng chống, xâm hại trẻ em. Qua đợt giám sát, Đoàn sẽ có kết luận, nếu cần cũng nên có Nghị quyết chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em, hoặc Nghị quyết về bảo vệ trẻ em; từ đó có chỉ đạo, ưu tiên đặc biệt hơn trong công tác bảo vệ trẻ em” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị.

Vụ học sinh trường Gateway tử vong rất đáng tiếc

Vụ học sinh trường Gateway tử vong trên xe đưa đón là vụ việc hy hữu, rất đáng tiếc. Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định khởi tố vụ án. Vụ việc này đặc biệt nghiêm trọng bởi đối tượng nạn nhân là trẻ em, là việc không đáng có và thể hiện sự tắc trách của nhân viên hỗ trợ và cũng là trách nhiệm của lái xe. Nếu trường hợp này lái xe kiểm tra lại xe thì không thể nào xảy ra việc quên cháu bé. Qua vụ việc này, UBND TP đã có ngay văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT, Sở GTVT chấn chỉnh lại việc tất cả các công ty thực hiện việc đưa đón các học sinh. Cùng đó, các trường cũng phải chấn chỉnh lại thái độ, tinh thần trách nhiệm của giáo viên cũng như trách nhiệm quản lý của nhà trường, trách nhiệm của các giáo viên, trách nhiệm của hướng dẫn viên và của lái xe.

Qua vụ việc này cũng đã phát hiện ra những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước cũng như trong việc xây dựng quy trình đưa đón học sinh. Việc đưa đón học sinh diễn ra ở rất nhiều trường học trên địa bàn TP, cả trường tư thục và trường công. Do đó, TP đã yêu cầu các đơn vị xây dựng quy trình đưa đón, hướng dẫn cụ thể cho học sinh và phụ huynh. Thái độ của TP rất nghiêm túc trong vấn đề này. Ngay từ đầu UBND TP đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy khởi tố ngay vụ án.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần