Hà Nội: Kiến nghị dùng nguồn thu tăng thêm để sử dụng công chức hợp đồng có thời hạn

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc quản lý, giao biên chế hành chính hiện nay chưa phù hợp thực tiễn các đô thị đang phát triển rất nhanh như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khi khối lượng công việc lớn về giao dịch hành chính, có tính chất phức tạp, nhạy cảm ngày càng cao”, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng nêu rõ khi tham luận tại đầu cầu Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ ngành nội vụ năm 2019 diễn ra sáng nay (15/1).

 Đầu cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu dự, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng nêu ý kiến tham luận
Tại đây, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng có tham luận rất đáng chú ý “Về kinh nghiệm và thực tiễn trong việc rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 08/NQ-CP; việc xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm, chuyển đổi cơ chế quản lý trong các ĐVSNCL và tinh giản biên chế (TGBC), điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; giải pháp triển khai Đề án Quản lý theo mô hình chính quyền điện tử tại Hà Nội”.
Trong đó, ông Sáng kiến nghị Trung ương (T.Ư) phân cấp cho Hà Nội được quyết định các nội dung: Điều chỉnh chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các ĐVSNCL thuộc UBND TP; điều chỉnh vị trí việc làm (VTVL) trong cơ quan hành chính, quyết định VTVL trong các ĐVSNCL và cho phép thực hiện cơ chế ủy quyền, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tương tự TP. Hồ Chí Minh đã được Quốc Hội thông qua.
Đặc biệt, theo ông Sáng, hiện Hà Nội có dân số tới gần 8 triệu người, đứng thứ hai cả nước, mỗi năm lại thêm khoảng 70 vạn người nhập cư, nên mật độ dân số trung bình đã cao gấp 8 lần mật độ chung. Đồng thời, TP có quy mô 254.125 doanh nghiệp, chiếm 40% cả nước; cùng lượng giao dịch hành chính rất lớn, đạt trung bình 4.070.096 hồ sơ/năm. Trong điều kiện như vậy, việc quản lý, giao biên chế hành chính hiện nay thể hiện chưa phù hợp thực tiễn các đô thị đang phát triển rất nhanh như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, bởi có khối lượng công việc lớn (giao dịch hành chính), lại có tính chất phức tạp, nhạy cảm ngày càng cao.
Mặc dù TP đã đẩy mạnh CCHC, ứng dụng CNTT mức 3 và 4, song việc liên tục phải giảm biên chế hành chính gây rất nhiều khó khăn cho việc cân đối, bố trí biên chế đúng VTVL đã được xây dựng, và công chức thì chịu sức ép lớn về khối lượng công việc được giao. Do đó, “TP kiến nghị T.Ư nghiên cứu việc cắt giảm biên chế hành chính cơ học hàng năm hoặc có cơ chế cho địa phương dùng nguồn thu tăng thêm để sử dụng công chức hợp đồng có thời hạn với một số vị trí, nhằm đáp ứng ngay yêu cầu hoạt động công vụ”, ông Sáng nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Sở, TP có quy mô giáo dục rất lớn (gồm 2.204 đơn vị với 100.953 biên chế, chiếm 83,68% tổng đơn vị, 78,92% tổng biên chế viên chức toàn TP), tập trung chủ yếu ở khối THCS, tiểu học, mầm non. Số đơn vị, biên chế tiếp tục tăng do tăng trường lớp, tăng học sinh theo tốc độ đô thị hóa, hằng năm TP vẫn phải tự cân đối tăng 1.500 biên chế/năm cho viên chức giáo dục. TP cũng đã chủ động ban hành Kế hoạch nâng mức tự chủ ĐVSN giai đoạn 2018-2021, yêu cầu các đơn vị mở rộng thí điểm trường chất lượng cao, trường tự chủ tại cấp huyện, song thực tế khó thực hiện (nh khối tiểu học không thu học phí). Nên, việc chuyển ĐVSNCL sang cơ chế tự chủ giai đoạn 2018-2021 gồm cả lĩnh vực giáo dục sẽ khó đạt chỉ tiêu 10%. Trong bối cảnh đó, Hà Nội tiếp tục kiến nghị T.Ư có cơ chế, chính sách để chuyển sang tự chủ đối với khối giáo dục, để không ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà vẫn đảm bảo TGBC.
Tại đây, TP cũng đề nghị Chính phủ kiến nghị UBTV Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13, Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 theo hướng: Với những huyện được quy hoạch là đô thị trung tâm có thể cho phép chuyển luôn huyện thành quận, không chờ đến khi đủ các tiêu chí như nội dung tại Nghị quyết, vì: Theo kinh nghiệm qua hình thành 7 quận mới của Hà Nội, do thiết chế bộ máy không đủ, tự phát dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bộ mặt đô thị không đồng bộ... Nếu như vậy, TP sẽ có ngay được bộ máy, cơ chế, con người có kiến thức, kinh nghiệm quản lý đô thị để phát triển khu vực này sớm trở thành đô thị hiện đại đúng quy hoạch; không làm tăng đơn vị hành chính, biên chế mà lại có thể giảm đơn vị hành chính cấp xã theo Đề án chính quyền đô thị của TP. Ngoài ra, để TGBC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền, TP đề nghị Chính phủ tăng thu nhập cho CBCCVC (trước mắt là công chức) trên cơ sở trả lương theo VTVL bằng nguồn ngân sách TP tự cân đối (trong số vượt thu), tránh “chảy máu” chất xám.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần