Hà Nội: Kiến nghị Trung ương nghiên cứu kỹ việc cắt giảm biên chế hành chính cơ học hàng năm

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành phố Hà Nội kiến nghị Trung ương nghiên cứu việc cắt giảm biên chế hành chính cơ học hàng năm hoặc có cơ chế cho địa phương dùng nguồn thu tăng thêm để sử dụng công chức hợp đồng có thời hạn đối với một số vị trí để đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của ngành nội vụ toàn quốc hôm nay (16/7), tại điểm cầu UBND TP Hà Nội, thừa ủy quyền của lãnh đạo TP, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết: Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 khóa XII, Hà Nội đã cơ bản sắp xếp, tinh gọn xong toàn bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc TP, được T.Ư và dư luận đánh giá cao. Sau khi rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế, TP đã ban hành 23 quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở và tương đương; quyết định hướng dẫn mẫu chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn thuộc 30 UBND quận, huyện, thị xã theo nguyên tắc tinh gọn nhưng đảm bảo không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. 
Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa trình bày tham luận tại điểm cầu UBND TP Hà Nội
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Đình Hoa, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 cơ bản đồng ý với nội dung Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, đó là: Thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây; đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng kiểm tra, giám sát, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ DN và người dân. Triển khai thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội sẽ thúc đẩy tiến trình xây dựng chính quyền kiến tạo, năng động, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước… Để thực hiện thành công Đề án này, TP rất mong nhận được tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan.
Từ thực tế nhiệm vụ đang phải triển khai, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành cho phép TP được thực hiện phân cấp tại 35 vấn đề thuộc 11 nhóm lĩnh vực như đã đề xuất tại Đề án và đã được Bộ Chính trị thông qua chủ trương tại Kết luận 46-KL/TW. Các bộ, ngành cần sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về khung năng lực vị trí việc làm (VTVL), tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực; có chính sách cụ thể, hợp lý trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, luân chuyển, điều động khi thực hiện đề án VTVL. Nhất là cần phân cấp, phân quyền cho UBND TP về việc điều chỉnh VTVL trong cơ quan hành chính, tạo sự chủ động cho địa phương; xây dựng khung pháp lý để kiểm soát khi phân quyền cho các ĐVSN tự chủ 100% tự phê duyệt đề án VTVL, số người làm việc.
 Hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại UBND xã cổ Bi (huyện Gia Lâm)
Đặc biệt, theo lãnh đạo Sở Nội vụ, việc quản lý, giao biên chế hành chính như hiện nay là chưa phù hợp thực tiễn của các đô thị đang phát triển rất nhanh và mạnh như Hà Nội, với khối lượng công việc lớn, tính chất phức tạp, nhạy cảm ngày càng cao; trung bình trên 4 triệu hồ sơ hành chính/năm. Việc liên tục giảm biên chế hành chính gây khó khăn lớn trong cân đối, bố trí biên chế đúng VTVL đã được xây dựng; công chức chịu sức ép lớn về khối lượng công việc được giao. Do đó, TP kiến nghị T.Ư nghiên cứu việc cắt giảm biên chế hành chính cơ học hàng năm hoặc có cơ chế cho địa phương dùng nguồn thu tăng thêm để sử dụng công chức hợp đồng có thời hạn đối với một số vị trí để đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, Hà Nội có quy mô giáo dục rất lớn, chiếm 83,68% tổng đơn vị và 78,92% tổng biên chế viên chức toàn TP, tập trung chủ yếu ở khói THCS, tiểu học và mầm non; với số đơn vị và biên chế tiếp tục tăng do tăng trường, tăng lớp, tăng học sinh theo tốc độ đô thị hóa, hàng năm TP vẫn phải tự cân đối tăng 1.500 biên chế/năm cho viên chức giáo dục. Do đó, việc chuyển các ĐVSNCL sang cơ chế tự chủ giai đoạn 2018-2021 gồm cả lĩnh vực này rất khó đạt được chỉ tiêu 10% theo yêu cầu. Vì vậy, TP tiếp tục kiến nghị T.Ư có cơ chế, chính sách để chuyển sang tự chủ với khối giáo dục, để không ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà vẫn đảm bảo mục tiêu TGBC.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần