Toàn cảnh Hội nghị giao ban trực tuyến quý II/2017

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND TP với Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã quý II/2017.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội Thành phố 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 cho biết, Thành phố đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp; xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp; khai trương Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo. Tăng cường hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét: tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt trên 70%, doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước tới nay; vốn đăng ký đầu tư ngoài ngân sách nhà nước ước đạt 190.922 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2016.
  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu khai mạc Hội nghị giao ban trực tuyến quý 2/2017"an, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị  xã quý II/2017
Tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển”. Kết quả: đã giới thiệu danh mục 136 dự án đến các nhà đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 1,1 triệu tỷ đồng; cùng các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ với kinh phí dự kiến thực hiện là 134,79 nghìn tỷ đồng; đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74,37 nghìn tỷ đồng. Đây là đại điện cho các dự án tiêu biểu cho mọi lĩnh vực của Thành phố (số vốn này gấp 2 lần so với cân đối ngân sách của Thành phố đầu tư trong năm 2017).
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tương đối ổn định; chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ quá hạn khoảng 2,82% tổng dư nợ.
Đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chi ngân sách các cấp. Thành phố là đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Đôn đốc, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 102.490 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016.
Tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2017. Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng 7,37% (cùng kỳ năm trước tăng 7,34. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14.233 triệu USD, tăng 20,7%. Khách du lịch ước đạt 11,85 triệu lượt, tăng 8%, trong đó khách quốc tế 2,33 triệu lượt, tăng 14%.
Thời gian tới, Thành phố tiếp tục tập trung giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phấn đấu đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%.
Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt, bảo đảm tiến độ thi công công trình, tiến độ giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, thanh quyết toán các công trình đã xong, kể cả các dự án BT, hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Rà soát các khoản kết dư để nộp về kho bạc. Thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, kích cầu tiêu dùng,...
Đã có gần 23.000 người có bảo hiểm y tế được xét nghiệm sàng lọc ung thư miễn phí 
Về an sinh xã hội, - Thành phố rất quan tâm các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật,... Dịp Tết Nguyên đán, đã tặng 1,32 triệu suất quà trị giá 428 tỷ đồng. Đang tích cực chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ; hoàn thành kế hoạch xây dựng nhà cho người có công (7.566 hộ). . Triển khai lập hồ sơ khám, quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn.
Đã tổ chức thí điểm tại 10 xã, phường của 5 quận huyện; triển khai thí điểm sàng lọc phát hiện ung thư sớm đại trực tràng. Đã có 22.850 người dân độ tuổi từ 40 trở lên có bảo hiểm y tế được xét nghiệm sàng lọc phát hiện ung thư đại trực tràng miễn phí tại Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội.
Thành phố đã tổ chức ra quân duy trì trật tự đô thị một cách bền vững: thí điểm triển khai ứng dụng trông giữ xe qua điện thoại di động I-Parking trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; rà soát, kiểm tra các bãi đỗ xe, kiên quyết xử lý “xe dù, bến cóc”, các bãi đỗ xe không đúng quy định; xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo, rao vặt trái phép, gây mất mỹ quan đô thị; kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện; duy trì thường xuyên hệ thống hạ tầng giao thông; tiếp tục sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố, triển khai kế hoạch hạ ngầm đường dây đi nổi tại 60 tuyến phố.
Tập trung chỉnh trang đô thị, cắt tỉa và trồng bổ sung cây bóng mát (lũy kế trồng được khoảng 320 nghìn cây). Đôn đốc tiến độ các dự án cấp nước sạch nông thôn; đã chấp thuận chủ trương cho 10 nhà đầu tư thực hiện 20 dự án cấp nước cho khu vực nông thôn với phạm vi cấp nước cho 75 xã, khoảng 180.828 hộ dân.
 Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND TP với Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị  xã quý II/2017.
Các công trình hạ tầng giao thông được triển khai đúng tiến độ. Công tác trang trí, chiếu sáng đô thị được đổi mới, tạo diện mạo mới cho đường phố và vận hành an toàn liên tục; thực hiện đặt hàng công tác duy trì hệ thống chiếu sáng trên toàn bộ địa bàn 30 quận, huyện, thị xã; đấu thầu lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng; áp dụng công nghệ, thiết bị hiệu suất cao; thay thế dần các thiết bị tiết kiệm điện, quản lý hệ thống chiếu sáng tập trung, điều khiển tự động.
Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội Phạm Quý Tiên báo cáo đánh giá kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 cho biết, UBND Thành phố đã tập trung xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Thành ủy và HĐND Thành phố. Trong đó, nổi bật như: ban hành Chương trình hành động số 43/CTr-UBND ngày 24/02/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. BCS Đảng UBND Thành phố đã kịp thời ban hành 20 kế hoạch và 01 chỉ thị để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực được chỉ ra sau kiểm điểm Nghị quyết TW4.

Đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy 22 Sở và tương đương; thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã; hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%), các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị, giảm 110 đơn vị (53,4%)…

Quán triệt thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính 2017”; chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện ngay từ những tháng đầu năm 2017 và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ.

Thành phố đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp; xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp; khai trương Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo;

Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế. Triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chi ngân sách các cấp. Thành phố là đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Triển khai thí điểm phương án thực hiện khoán xe công tại 8 cơ quan, đơn vị của Thành phố. Đôn đốc, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản. Chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm thực hiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2017.

Tăng cường quản lý, lập lại trật tự đô thị; Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 ra quân kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện, bước đầu đạt kết quả tích cực và được người dân ủng hộ. 

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Chánh Văn Phòng UBND TP cho biết, UBND TP tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng địa phương và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại: Tiếp tục thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính 2017”, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu kinh tế; Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; Phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội; Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quản lý trật tự, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường; tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; an ninh chính trị, trật tự xã hội; đối ngoại và hội nhập quốc tế; Tiếp tục thực hiện chống tham nhũng, lãng phí; chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo phương châm 5 rõ và thường xuyên kiểm điểm tiến độ triển khai thực hiện theo Chương trình công tác năm 2017 của UBND Thành phố; Tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố;

Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả đối với 20 kế hoạch và 01 chỉ thị để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực được chỉ ra sau kiểm điểm Nghị quyết TW4.

Tăng cường công tác phối hợp, giám sát chặt chẽ, hiệu quả giữa UBND Thành phố với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; nâng cao vai trò của mỗi cơ quan trong việc phối hợp công tác, giám sát thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên...

Chỉ số cải cách hành chính Hà Nội vào top đầu cả nước

Tại Hội nghị, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện việc triển khai Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 20/3/2017 của UBND Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, ngay từ những tháng đầu năm, UBND TP Hà Nội đã quán triệt thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính 2017”; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ... Theo đó, kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ đã có chuyển biến rõ rệt. Chỉ số cải cách hành chính (PARIndex) tăng 6 bậc so với năm 2015 và xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước.

 Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng phát biểu

Theo báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 của UBND TP Hà Nội, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã tích cực rà soát các thủ tục hành chính, công bố 60 văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, 23 văn bản đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Hiện đại hóa trong việc giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Đã có 46 dịch vụ công mức độ 3, 4 đưa vào vận hành chính thức, 35 dịch vụ vận hành thử nghiệm.

Ngay từ những tháng đầu năm, UBND TP Hà Nội đã quán triệt thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính 2017”; chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện ngay từ những tháng đầu năm; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ; triển khai thí điểm thực hiện khoán xe công tại 8 cơ quan, đơn vị;... Theo đó, kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ đã có chuyển biến rõ rệt. Chỉ số cải cách hành chính (PARIndex) tăng 6 bậc so với năm 2015 và xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước. Thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành sắp xếp lại bộ máy, tổ chức; đã thành lập 5 ban quản lý dự án chuyên ngành; Quỹ Đầu tư phát triển; phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Thành lập Tổ công tác liên ngành giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng.

Báo cáo do Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ trình bày cũng cho biết, bên cạnh các kết quả đạt được, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giảm bậc và đang ở vị trí thấp, đặc biệt là về tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân.

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; cắt giảm triệt để những chi phí không hợp lý. Tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng tham mưu, nhất là trong các lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, tài nguyên, môi trường. Thực hiện các giải pháp cải thiện xếp hạng chỉ số PAPI. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ người, rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...

Mỗi quận chỉ để lại 5 - 10 cụm loa

Thảo luận tại Hội nghị, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT báo cáo về việc sử dụng loa phường cho biết, mỗi quận sẽ chỉ còn 5 - 10 cụm loa. Để thay thế loa công cộng, Sở đang tích cực phối hợp các nhà mạng để thí điểm lắp đặt thiết bị đầu cuối, đưa thông tin tuyên truyền đến từng hộ gia đình. 

Tại phiên thảo luận, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, 6 tháng đầu năm, về dịch bệnh sốt xuất huyết có 2576 ca, gấp 5 năm lần cùng kỳ, 80% trường hợp mắc bệnh thuộc các quận nội thành. Cho đến nay còn 270 trường hợp còn chạy chữa. Sở đang triển khai đợt ra quân hè 2017 phòng chống sốt xuất huyết và rất cần sự phối hợp từ các cơ quan liên quan. 

Ông Hiền cũng cho biết, sơ kết 6 tháng hoạt động của Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội cho thấy, số lượng bệnh nhân tham gia dịch vụ cao. Việc sàng lọc phát hiện ung thư đại trực tràng đã được triển khai ở 3 quận, với hơn 20.000 được tầm soát. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP và Bộ Y tế, Sở đã triển khai mô hình hồ sơ quản ý sức khỏe ở 10 xã phường, 5 quận huyện. Tiếp tục xúc tiến triển khai lập hồ sơ Quản lý sức khỏe các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, lập mô hình bác sĩ gia đình. 

Phát biểu thảo luận về vấn đề nước sạch nông thôn, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho hay: “Chúng ta đã tìm ra hướng đột phá để đầu tư hệ thống cấp nước sạch đến vùng nông thôn, ngoại thành. TP đã có quyết định đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho 364 xã, chuẩn bị giao cho các nhà đầu tư thực hiện”.

  Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục phát biểu thảo luận tại phiên họp

Ngoài ra, ông Lê Văn Dục còn cho biết, 6 tháng đầu năm đã giải quyết trên 60% vi phạm trật tự xây dựng, những vi phạm còn lại đã được nắm đến từng chi tiết, chuẩn bị tiếp tục xử lý.Tuy nhiên, ông Dục cũng đề nghị các địa phương tập trung cao độ vào công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống hạ tầng cấp nước.

Ông Nguyễn Trọng Đông- Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm, Sở đã tham mưu và trình Thành phố ban hành nhiều quyết định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đơn giản hóa, giảm thời gian, tạo điều kiện thủ tục, hồ sơ, giảm thời gian, tạo điều kiện đẩy nhanh .... cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt 97,5%, trong đó, 20 quận huyện đạt 100%. Công tác kê khai đăng ký với các diện tích chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận lần đầu đạt 95% , cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà dự án đạt 83%,  nhà tái định cư  đạt 87%....

Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát số lượng các thửa chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Sở cũng tăng cường rà soát tạo điều kiện cho các hộ đủ điều kiện được cấp giấy sử dụng đất, đưa vào quản lý, tăng thu ngân sách, đảm bảo quyền của người sử dụng đất.

Ông Hà Minh Hải- Giám đốc Sở Tài chính cho biết, ngay từ đầu năm 2016, Sở Tài chính cùng các cơ quan liên quan đã đánh giá ký tình hình thực hiện thu ngân sách năm 2016, dự báo các khó khăn, tiếp tục duy trì và thực hiện quyết liệt Ban chỉ đạo thu hồi nợ đọng ngân sách, rà soát các nguồn thu. Nhờ các giải pháp quyết liệt này, 6 tháng đầu năm, công tác thu ngân sách đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 97.147 tỷ đồng, tăng 19,6% so cùng kỳ năm 2016. “Nhìn chung, tổng thu NSNN trên địa bàn dến thời điểm này đạt khá so với dự toán được giao đầu năm. Ngoại trừ các khoản thu từ khu vực DNNN trung ương, một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu đều có kết quả thực hiện khả quan. Cụ thể, thu tiền sử dụng đất đạt gần 66% sự toán, thuế TNCN đạt hơn 50% sự toán thu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ nhoài quốc doanh đạt khá...”- ông Hải cho biết.

Về chi ngân sách địa phương, đến ngày 26/6, chi ngân sách địa phương đạt 23.713 tỷ đồng, đạt 30,1% dự toán, trong đó chỉ đầu tư phát triển hơn 9.000 tỷ đồng, chi thường xuyên 14.544 tỷ đồng.

Tại phiên thảo luận, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của TP tăng trưởng 2,25%, cao hơn cùng kỳ năm 2016. Sở đã yêu cầu các địa phương sát sao công tác chăm sóc song song với đảm bảo phòng chống úng ngập, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Yêu cầu các địa phương đôn đốc người dân, hộ kinh doanh ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt.

Bên cạnh đó còn một số vấn đề khó khăn Sở NN&PTNT đang tiếp tục xử lý. Công trình thuỷ lợi do địa phương quản lý hiện nay thiếu hồ sơ rất nhiều, gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành, đặc biệt là hơn 1.000 trạm bơm lớn nhỏ có vai trò điều tiết nước nội đồng.

Ông Chu Phú Mỹ cũng cho biết, trong số 51 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới hiện có tới 35 xã là trọng điểm về an ninh nông thôn. “Đề nghị lãnh đạo TP chỉ đạo lực lượng Công an TP quan tâm hơn nữa, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát để đảm bảo giữ gìn trật tự, an ninh” – ông Mỹ đề xuất.

Từ đầu cầu trực tuyến Quận Ba Đình, Phó Chủ tịch UBND Quận – ông Nguyễn Quang Trung cho biết, về vấn tình trạng rác thải trên địa bàn Quận, áp lực số lượng rác lớn còn diễn ra tại một số tuyến phố như Ngọc Hà, Đội Cấn…

Việc rác ùn ứ đã có biện pháp cụ thể, bao gồm phối hợp Công ty Môi trường Đô thị chi nhánh Ba Đình, tuyên truyền cho người dân và tích cự xử lý vi phạm riêng liên quan đô thị.

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải cho biết, về công tác thu ngân sách, 6 tháng đầu năm, quận Nam Từ Liêm đã hoàn thành kế hoạch thu ngân sách của cả năm. Đại diện quận này cũng đề xuất một số vấn đề. Cụ thể, trên địa bàn Nam Từ Liêm hiện có 4 phường gồm Xuân Phường, Phương Canh, Tây Mỗ và Đại Mỗ... rất nhiều hộ dân chưa được cấp nước sạch. Việc thiếu các thiết chế công như bãi trông giữ xe, nhà văn hóa, chợ dân sinh... cũng khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Vì thế, quận Nam Từ Liêm mong Thành phố quan tâm giải quyết đảm bảo quyền lợi người dân. 

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Chủ tịch phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) báo cáo về việc quán bia lấn chiếm vỉa hè tại địa bàn phường. 

Về việc này, Chủ tịch UBND phường Tương Mai cho biết, thời điểm mới mở, quán bia này có hiện tượng lấn chiếm lòng lề đường để trông giữ xe. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, phường đã có biện pháp nhắc nhở, yêu cầu chủ quán cam kết không lấn chiếm hè đường.

Phát biểu thảo luận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung cho biết, trong 6 tháng đầu năm Transerco đã điều chỉnh 23 tuyến buýt, mở mới 7 tuyến đến các huyện: Mê Linh, Thanh Oai, Hoài Đức, Sóc Sơn; thay thế phương tiện cho 7 tuyến mới”. Từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục mở mới 7 tuyến; trong năm nay điều chỉnh 18 tuyến để đảm bảo tính kết nối giữa các khu đô thị và các vùng, thay mới 221 xe buýt mới trong cả năm.

 Ông Hà Minh Hải- Giám đốc Sở Tài chính phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Ngô Văn Quý lưu ý những việc trong tâm thời gian tới, trong đó, tập trung làm tốt tuyển sinh đầu cấp. Các quận huyện rà soát lại cơ sở vật chất, chuẩn bị tốt cho khai giảng năm học 2017 - 2018.

Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Y tế tập trung phòng giải pháp chống dịch, trọng tâm sốt xuất hiện gia tăng, chưa có xu hướng giảm.Triển khai khám, chăm sóc sức khỏe toàn dân; thực hiện nội dung về viện phí theo quy định của Sở Y tế.

Về an sinh xã hội, Phó Chủ tịch yêu cầu các quận, huyện, đơn vị cực chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ; hoàn thành kế hoạch xây dựng nhà cho người có công...

Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Quốc Hùng yêu cầu cần thúc đẩy việc cấp giấy chứng nhận đất đai, tăng cường nguồn thu từ đất, đấu giá từ đất, tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư tố cáo...

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng phát biểu: “Tuy đạt nhiều kết quả khả quan nhưng hiện công tác quản lý đô thị vẫn còn một số tồn tại như: một số nơi còn thiếu điện, nước, chất lượng nước chưa đảm bảo; vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép.... Đề nghị các sở, ngành tập trung giải quyết những tồn tại này, chuẩn bị nội dung báo cáo trong kỳ họp HĐND TP sắp tới”.

Phó Chủ tích Nguyễn Thế Hùng cũng lưu ý, nhiều quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành của Thủ đô vẫn chưa hoàn thành. “Yêu cầu Sở QH&KH, Sở Xây dựng... tập trung hoàn chỉnh quy hoạch đồng thời xây dựng quy chế để có công cụ quản lý. Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu cho TP, để TP chỉ đạo các địa phương vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để cũng như ngăn chặn các vi phạm trật tự xây dựng”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu, trong 6 tháng đầu năm, UBND TP Hà Nội đã phải xử lý một khối lượng công việc rất lớn, bình quân mỗi tháng xử lý khoảng 6.000 văn bản. Trung bình một ngày làm việc, UBND TP xử lý 300 văn bản. Vì thế, Phó Chủ tịch yêu cầu các đơn vị phải rà soát, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Phó Chủ tịch đề nghị, các đơn vị quan tâm hơn nữa đến một số lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy, các rủi ro cháy nổ vẫn rất cao, vì vậy, công tác này cần được đặc biệt quan tâm. Về an toàn thực phẩm, các cơ quan phải kiểm tra lại việc các đồng chí lãnh đạo quận, phường có đi kiểm tra đúng yêu cầu theo quy định không.

Một vấn đề được Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh là cần xem xét lại công tác giải quyết khiếu nại của người dân tại một số đơn vị cấp dưới. “Chúng tôi tháng nào cũng tiếp dân, tiếp xúc cử tri nhưng nhiều vấn đề được nhân dân kiến nghị nhiều lần. Tôi yêu cầu các đơn vị cấp dưới dần giải quyết triệt để, nhanh chóng trong thẩm quyền của mình, tránh việc đùn đẩy lên cấp cao các sự việc nằm trong thẩm quyền có thể giải quyết”- Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Giảm phàn nàn của người dân trong thực hiện thủ tục hành chính

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu những tháng cuối năm tập trung điều hành các giải pháp điều hành kinh tế xã hội, thực hiện thu chi ngân sách; trong đó đặc biệt quan tâm an sinh xã hội, người nghèo; quan tâm chất lượng sống của người dân; quyết liệt thực hiện năm kỷ cương hành chính, chú trọng các đơn vị thực hiện THHC làm sao giảm tiếng phàn nàn của người dân…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận

Tạo điều kiện cho DN phát triển, tăng cường giải pháp kêu gọi đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụng công nghiệp, kêu gọi đầu tư vào dịch vụ…

Chủ tịch yêu cầu các quận huyện bám sát các chương trình trọng tâm, bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, Chính phủ nghiêm túc, hiệu quả. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Công an TP mở các đợt cao điểm phòng chống tội phạm theo chuyên đề như cắt túi ở ngã tư, cướp giật tại các khu vực nông thôn... Ngoài ra, việc giảm các điểm đen ùn tắc giao thông, bố trí lực lượng hạn chế tối đa việc ùn ứ này.

Ngoài ra, các lực lượng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, thực hiện tốt trật tự văn minh đô thị, thực hiện các giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại... 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao cho Sở Y tế 5 nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới. Đó là: Phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ của Bộ Y tế, có biện pháp ngăn ngừa không để xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết trên địa bàn TP trong thời điểm giao mùa.

Tiếp tục triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm ung thư sớm cho toàn bộ người dân thủ đô từ 40 tuổi trở lên. “Hiện chúng ta đã lấy mẫu được hơn 100.000 trường hợp và có tới 6,4% trong số đó dương tính với ung thư đường tiêu hoá” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

Cùng với đó, lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ điện tử và khám sức khoẻ cho Nhân dân; tích hợp kết quả xét nghiệm dùng chung cho các bệnh viện để giảm chi phí cho người dân.

Giao Sở Y tế phối hợp với các bệnh viện và Quân khu Thủ đô để khám và phát thuốc cho người dân vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm; đôn đốc, kiểm tra vệ sinh ATTP, đấu thầu tập trung hệ thống thuốc để giảm chi phí...

Giao Sở Xây dựng đôn đốc công tác xử lý ô nhiễm ao hồ, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường toàn TP. “Đặc biệt các địa phương và Sở Xây dựng phải tăng cường kiểm tra đối với các đơn vị thu gom rác thải. Vi phạm quy định về thu gom rác đến 3 lần thì phải kiên quyết xử lý cắt hợp đồng” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý phải quyết liệt xử lý các vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới. Nhất là khu vực nông thôn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp vi phạm lấn chiếm và chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu, Sở Kế hoạch đầu tư đôn đốc lập hồ sơ các dự án đầu tư công, hạn cuối đến 30/8/2017, tất cả các đơn vị không có hồ sơ dứt khoát không xem xét để phê duyệt đầu tư công. Tập trung chỉ đạo các quận, huyện tăng cường quản lý các Dự án đầu tư công, dự án BT..., tránh tình trạng Thành phố ra quyết định đầu tư nhưng DN hàng năm trời không thực hiện.

Chủ tịch yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế tổ chức các giải pháp đảm bảo đạt mục tiêu thu ngân sách; Đôn đốc thanh quyết toán cho các công trình xây dựng, đẩy nhanh tiến độ, tăng giải ngân vốn xây dựng cơ bản; chủ trì liên ngành xây dựng đề án giá trông giữ ô tô xe máy. Sở Tài nguyên Môi trường cần tiếp tục đôn đốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Chủ tịch yêu cầu Sở TT& TT thực hiện đề án sắp xếp lại hệ thống loa phường. Theo Chủ tịch, chúng ta đã làm thận trọng, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, đa số người dân đồng ý với việc sắp xếp lại hệ thống loa phường. Hiện nay, Thường trực Thành ủy chỉ đạo TP triển khai, với 4 quận nội thành chỉ để lại 5 - 10 cụm loa. Trong đó, phải đảm bảo không chĩa vào trường học, khách sạn, khu vực nhiều người già sinh sống, khu vực có người nước ngoài. 

Loa chỉ sử dụng trong việc thông tin liên quan đến thiên tai thảm họa, không sử dụng tuyên truyền hàng ngày. Các quận còn lại, chỉ để 5 - 10 cụm loa nhưng phải sắp xếp lại và phải xây dựng chương trình sao cho hiệu quả. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần