Hà Nội: Kinh tế có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc rõ nét

Hồng Thái - D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Chiều 2/4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban thường kỳ quý I/2020. Dự Hội nghị có Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, các Phó Chủ tịch UBND TP và đại diện các sở, ngành. Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương.

Khối lượng công việc vô cùng lớn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, cùng thời điểm toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố chuẩn bị phục vụ cho công tác bầu cử... Vì vậy, có rất nhiều công việc cần thực hiện với khối lượng công việc vô cùng lớn với nhiều việc phát sinh.
 

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị

Trong 3 tháng đầu năm 2021, Thành phố đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, xử lý nhiều việc phát sinh, đột xuất. Trong quý I, hầu hết các lĩnh vực có khởi sắc, riêng quy hoạch đô thị có điểm nhấn đặc biệt khi Thành phố công bố quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tại địa bàn 4 quận nội đô, hiện thực hóa quy hoạch Hà Nội theo hướng bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, Thành phố một lần nữa vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đã kiểm soát được dịch bệnh, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Kinh tế tháng 3 và quý I có dấu hiệu phục hồi, tăng tốc và khởi sắc rõ nét.
Báo cáo kết quả công tác thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội quý I năm 2021, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, về phát triển kinh tế, Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế”, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố Quý I, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo và 9 tháng năm 2021.
Trong đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 72.753 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán Trung ương giao (đạt 28,9% dự toán Thành phố giao), bằng 101% so với cùng kỳ. CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2021 tăng 0,04% so với cùng kỳ năm 2020. Kinh tế tiếp tục bị tác động của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên đã có sự khôi phục so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I tăng 5,17% - gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,13%). Sản xuất công nghiệp trong quý I đã có bước khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng 12,9% so với tháng 2 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng, giá cả ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến; công tác phòng chống dịch Covid-19 tại hệ thống các điểm bán lẻ được thực hiện nghiêm túc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chuẩn bị lượng hàng tăng trung bình 20% so với Tết năm 2020 và lượng hàng hóa phòng, chống dịch tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Hà Nội đã tích cực kết nối, tiêu thụ nông thủy sản các địa phương và các quận, huyện trên địa bàn gặp khó khăn tiêu thụ do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội nhìn chung ổn định, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; chăn nuôi lợn có chuyển biến tích cực, dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát; đàn bò có xu hướng tăng, đàn gia cầm tuy có xuất hiện một số ổ dịch nhỏ nhưng mang tính chất cục bộ.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong tháng 3, Hà Nội có 34 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 30,5 triệu USD; 9 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn bổ sung đạt 47,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 8,2 triệu USD. Về thu hút đầu tư trong nước, đã phê duyệt chủ trương đầu tư 20 dự án vốn ngoài ngân sách (bao gồm dự án mới và tăng vốn), tổng số vốn 3.241 tỷ đồng. Trong tháng 3, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.622 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 23,6 nghìn tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, nhất là xử lý các khoản nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất, đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án hoàn thành… Chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, tiết kiệm, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên cũng như đột xuất; kịp thời bổ sung kinh phí phòng chống dịch Covid-19, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của Thành phố... Sắp xếp, xử lý nhà, đất, bàn giao trụ sở làm việc cũ của một số cơ quan trên địa bàn Thành phố...
Quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Trong 3 tháng đầu năm tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát tốt. Cộng dồn từ ngày 27/1/2021 đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 37 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 35 trường hợp tại cộng đồng và 2 trường hợp nhập cảnh, không có ca tử vong; đến ngày 25/3/2021, đã qua 42 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca mắc mới tại cộng đồng. Tất cả các điểm liên quan đến các ca bệnh dương tính đều đã kết thúc phong tỏa. Trên địa bàn thành phố không còn trường hợp F1, F2 nào đang phải cách ly. Từ ngày 9/3/2021, bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế...
Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn, hiện nay, dịch Covid-19 trong cả nước cơ bản đã được kiểm soát. Thành phố từng bước nới lỏng các biện pháp, cho phép các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Trong quý II và các tháng còn lại của năm 2021, Thành phố tiếp tục xác định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19.
 Quang cảnh hội nghị
Hà Nội hiện đang triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ. Chỉ đạo thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người nếu không cần thiết và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp..., thực hiện khai báo y tế tại địa điểm công cộng, khu vực tập trung đông người.
Tăng cường giám sát việc thực hiện cách li y tế. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch, các đối tượng nhập cảnh trái phép. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức trong nhân dân để nâng cao tinh thần phòng dịch.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 14/CTr-UBND ngày 19/1/2020 của UBND Thành phố, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND Thành phố về Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Trong đó, tập trung hoàn thành 33/83 nhiệm vụ còn lại của quý I và 73 nhiệm vụ quý II/2021. Xây dựng Kế hoạch triển khai 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy. Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ các chương trình làm việc của Thành ủy và HĐND Thành phố, phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp giải quyết TTHC liên thông tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức.
Ngoài ra, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả. Tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Duy trì tốt các lĩnh vực văn hóa, thông tin; đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đảm bảo tốt các điều kiện khám chữa bệnh cả về chất lượng và quy mô, chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường chủ động phòng chống dịch bệnh, trọng tâm là dịch Covid-19; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần