Hà Nội ký kết hợp tác đầu tư với các tập đoàn Nhật Bản

Minh Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/7, tại Tokyo (Nhật Bản), dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại diện các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã trao đổi các biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP với tổng số vốn cam kết lên tới 3,75 tỷ USD.

 Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và đại diện các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản trao đổi biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội.
Trong số này, đáng chú ý có biên bản ghi nhớ giữa UBND TP Hà Nội với Sumitomo và BRG về 2 dự án công trình hỗn hợp Việt Nhật ở quận Tây Hồ và xây dựng phát triển Khu Công nghiệp Đông Anh ở huyện Đông Anh với tổng số vốn đầu tư 3 tỷ USD. Với Nidec về một số dự án đầu tư, trong đó có dự án sản xuất và kinh doanh thiết bị, linh kiện điện tử công nghệ cao, sản xuất các thiết bị mới, đáp ứng yêu cầu công nghệ 4.0.
Với Công ty Cổ phần IDS Equity Holdings và các nhà đầu tư Nhật Bản về các dự án văn phòng, khách sạn tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư đến 500 triệu USD; với Công ty TNHH AeonMall Việt Nam về dự án Trung tâm thương mại AeonMall Bắc Từ Liêm với vốn đầu tư dự kiến 250 triệu USD.
Đây là kết quả của các buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo của các tập đoàn Mitsubishi, Sumitomo, AEON, IDS Equity Holdings và Nidec trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 30/6 đến 1/7.
Tại các buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giới thiệu về môi trường và chính sách ưu đãi đầu tư của TP. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư, UBND TP Hà Nội đã nỗ lực cải cách hành chính để tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của các DN nước ngoài trên địa bàn TP.
Kết quả là năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng bốn bậc so với năm 2017 và TP đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 5 tháng đầu năm nay, Hà Nội vẫn giữ vững vị trí đó khi chiếm tới 28,64% trong tổng số vốn FDI đăng ký của cả nước. Tính đến hết tháng 5/2019, lũy kế vốn FDI trên địa bàn Hà Nội là 41,2 tỷ USD, trong đó có 4.850 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 34,2 tỷ USD, và 1.850 lượt nhà đầu tư thực hiện góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 7 tỷ USD.
Đối với Nhật Bản, đây là nước đứng thứ 4 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Nội trước năm 2015. Tuy nhiên, năm 2018, Nhật Bản đã vượt qua các nước khác để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở TP này. Chủ tịch UBND TP Hà Nội dự báo Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục giữ vững vị trí này trong năm 2019.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã thông báo với các DN Nhật Bản về các định hướng và ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài của TP, đồng thời cam kết hỗ trợ các DN này về thủ tục, đất và đào tạo nguồn nhân lực khi đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên đó.
Về phần mình, lãnh đạo các tập đoàn đều đánh giá cao môi trường đầu tư của Hà Nội, đồng thời khẳng định cam kết đầu tư vào TP này. Đại diện tập đoàn Sumitomo và BRG bày tỏ mong muốn sớm triển khai dự án thành phố thông minh ở phía Đông Hà Nội, trong khi lãnh đạo Nidec muốn đẩy nhanh dự án đầu tư sản xuất và kinh doanh thiết bị, linh kiện điện tử công nghệ cao ở Khu Công nghiệp cao Hòa Lạc. Lãnh đạo Mitsubishi mong muốn đầu tư để phát triển các dự án bất động sản xung quanh các ga tàu điện trên địa bàn TP.