Hà Nội là đầu tàu kết nối cung - cầu thị trường

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động giao thương hàng hóa không chỉ tạo cơ hội cho các DN, HTX các tỉnh tiêu thụ sản phẩm mà đang từng bước trở thành cầu nối kinh tế giữa Hà Nội và các tỉnh, thành.

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản tại Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu năm 2018, do UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 21/11 với sự góp mặt của lãnh đạo 56 tỉnh, TP và 400 DN.

Tích cực hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm

Theo Sở Công Thương Hà Nội, với dân số 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn. Đặc biệt sức tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới sẽ tăng từ 5 - 21% so với các tháng khác, trong khi DN của TP chỉ có thể đáp ứng được từ 30 - 60% nhu cầu của người dân. Nhằm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành trên cả nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Sở Công Thương Hà Nội - HPA với Bộ Công Thương. Ảnh: Lê Nam
Cụ thể, Hà Nội chủ động trong công tác kết nối sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản với 21 tỉnh, thành trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP Hà Nội. Trong 10 tháng qua, các sản phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh cung cấp về Hà Nội như: Điện Biên cung cấp khoảng 75 tấn rau củ; Vĩnh Phúc cung cấp khoảng 3.850 tấn rau củ, gà thịt 95 tấn, lợn thịt 800 tấn, thủy sản khoảng 160 tấn; Hòa Bình cung cấp khoảng 340 tấn rau các loại; 330 tấn cá sông Đà….

Ngoài việc tổ chức các hội nghị, sự kiện kết nối, TP Hà Nội đã hỗ trợ DN 46 tỉnh, thành đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài tiêu thụ như hệ thống AEON - Nhật Bản, hệ thống Lottemart - Hàn Quốc; Hệ thống tập đoàn Centragroup - Thái Lan; Chợ đầu mối Rungis - Pháp qua đó giúp DN quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu.

Tại hội nghị, 278 DN các tỉnh đã ký 450 biên bản ghi nhớ hợp tác với 60 DN phân phối Hà Nội. Theo đó, DN các tỉnh sẽ đưa hàng hóa về Hà Nội tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2019 trị giá 30.000 tỷ đồng (trong đó tiêu thụ tại Hà Nội hơn 25.000 tỷ đồng, phát luồng đi các tỉnh lân cận khoảng 5.000 tỷ đồng). Đặc biệt, lượng hàng hóa dự kiến ký kết hợp tác trong năm 2019 lên đến 110.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng mức bán lẻ của TP Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực, là đầu tàu trong công tác kết nối cung - cầu giữa Hà Nội và các tỉnh thành cả nước, đồng thời còn là cầu nối DN với các thị trường, đưa sản phẩm Việt đến thị trường quốc tế.

Kết nối cung - cầu hiệu quả hơn

Có thể thấy, các hoạt động kết nối cung - cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các DN địa phương, đáp ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội.

Tuy nhiên, tại hội nghị, DN các tỉnh, thành có chung ý kiến: Hoạt động kết nối cung - cầu thời gian qua còn gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại. Nguyên nhân là do DN phần lớn quy mô nhỏ và vừa; các hộ nông dân... sản xuất nông sản hàng hóa vẫn theo tập quán truyền thống nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng và khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển, phương thức thanh toán, DN phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định có chất lượng... Sự phối hợp giữa các địa phương trong việc nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường nhằm thông tin tới DN chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...

Để công tác liên kết, kết nối cung - cầu hàng hóa thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, các DN kiến nghị: Ngành công thương hỗ trợ DN trong công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm với hệ thống bán lẻ hiện đại Hà Nội. Đồng thời các cấp chính quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đề nghị: Các tỉnh, TP chủ động đề xuất, phối hợp với Hà Nội trong việc thực hiện các chương trình liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương; chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa đảm bảo ATVSTP. Tích cực tuyên truyền quảng bá, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương do TP tổ chức để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội cũng như các hệ thống phân phối nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, EU, ASEAN… “Hà Nội cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu đầu tư, đồng hành cùng DN hợp tác, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Nội” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản khẳng định.

Tối 21/11, tại Trung tâm Thương mại Vincom Mega Mall, Royal City (Hà Nội) diễn ra lễ khai mạc Hội chợ Đặc sản vùng miền và triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP”. Đây là lần thứ 5 Hội chợ Đặc sản vùng miền do TP Hà Nội tổ chức, có quy mô 300 gian hàng với sự tham gia của hơn 200 DN Việt Nam. Đặc biệt, hội chợ còn thu hút được nhiều DN nước ngoài đến từ Bungari, Pakistan, Sri Lanka, Slovakia, Indonesia, Nhật Bản... tham gia trưng bày sản phẩm, trình diễn nghệ thuật ẩm thực. Ngoài ra, Triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP” quy tụ gần 100 gian hàng của trên 20 làng nghề tiêu biểu của TP Hà Nội.