Hà Nội lấy ý kiến Đảng đoàn Quốc hội vào Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của Đảng đoàn Quốc hội vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị về phía Đảng đoàn Quốc hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển…
Về phía TP Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ.
 Các đại biểu tham dự hội nghị.
Dự kiến trình Bộ Chính trị vào 9/2020         
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, đến nay tất cả 100% các chi bộ, tổ chức đảng trực thuộc đều tổ chức thành công Đại hội và hết tháng 7/2020 sẽ có 34 đảng bộ cấp trên cơ sở, đảng bộ tương đương sẽ tổ chức xong. Hà Nội phấn đấu đến 15/8 sẽ tổ chức xong để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Đến 9/2020, Thành ủy Hà Nội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để trình Đại hội vào cuối tháng 10/2020.
Bí thư Thành ủy cũng cho biết, quy trình xây dựng văn kiện rất công phu. Thành phố đã phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương triển khai đề án nghiên cứu khoa học và đến nay đã nghiệm thu để làm cơ sở dữ liệu để xây dựng văn kiện. Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã thông qua 2 lần và hôm nay là phiên bản thứ 4. Trước đó, phiên bản thứ 3 đã qua 3 vòng với việc tổ chức 7 hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo TP qua các thời kỳ; các bộ ngành T.Ư; văn nghệ sỹ trí thức, tôn giáo; đăng tải trên các cơ quan truyền thông của TP để lấy ý kiến Nhân dân để sau đó Tiểu ban văn kiện sẽ tổng hợp và có chỉnh sửa.
 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị
Ngoài ra, thời gian quan, TP đã làm việc với một một số bộ, ngành rất quan trọng và tới đây sẽ làm việc với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó để có thêm dữ liệu cập nhật, bổ sung vào văn kiện. Sau hội nghị lấy ý kiến hôm nay, TP sẽ còn cuộc lấy ý kiến với Đảng đoàn quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ. Sau các bước đó sẽ gút lại lần cuối cùng trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo Chính trị sử dụng số liệu đến hết năm 2019 là con số thực và số liệu cập nhật đến 6/2020. Đến 9/2020, trước khi trình Bộ Chính trị, TP đã có số liệu quý III/2020 thì Tiểu ban Văn kiện sẽ cập nhật số liệu năm 2020…
 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Thành ủy Hà Nội đã chuẩn bị rất công phu cho Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội góp ý thẳng thắn, sâu sắc, giúp TP Hà Nội đưa ra được lộ trình phát triển đúng đắn, xứng tầm cho giai đoạn tới…

Xây dựng con người Thủ đô là biểu tượng của Việt Nam

Đánh giá tổng thể về Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, các đại biểu đều cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, có bố cục chặt chẽ, nhiều hướng tiếp cận mới và đánh giá thẳng thắn những kết quả đạt được, hạn chế, bài học kinh nghiệm.

Đi vào cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Dự thảo cần chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI cần cô đọng hơn và phải nêu bật được truyền thống cách mạng, nghìn năm văn hiến cũng như ý chí quyết tâm chính trị của Đảng bộ TP. Dự thảo cũng nên đưa thêm nội dung về đề xuất, kiến nghị của TP với T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách trong thời gian tới.

Ngoài ra, cần đưa thêm một số kết quả nổi bật như: Kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ, sự chấp hành rất nghiêm túc các chỉ đạo, chỉ thị của T.Ư; cần làm nổi bật điểm sáng về hoạt động của HĐND, UBND và quyết tâm CCHC; những kết quả trong phòng, chống dịch Covid-19; nét khởi sắc trong quy hoạch, chỉnh trang đô thị, quản lý đô thị thông minh, phát triển KHCN; xây dựng NTM…

 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại hội nghị

Góp ý vào chủ đề Đại hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, chủ đề của Đại hội đã bao hàm đầy đủ thành tố nhưng mục tiêu chủ đề về xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại cần được bổ sung để thể hiện rõ các nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025. Ngoài ra, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần có thêm đề mục đánh giá về Luật Thủ đô trên cơ sở xác định rõ vai trò “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” để nâng tầm nội dung này. Đồng thời, cần làm rõ hơn việc đánh giá các ưu điểm, kết quả phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong 5 năm qua.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá, Hà Nội đang xanh hơn rất nhiều với Chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Hà Nội đang “xanh” hơn rất nhiều, vì vậy, Dự thảo Báo cáo Chính trị nên làm rõ,nêu bật nội dung này và tiếp tục kiên trì theo hướng xây dựng “thành phố trong công viên” như kết quả đạt được trong 5 năm qua. Ngoài ra, cần làm rõ thêm vấn đề di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô; cơ chế để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại hội nghị

Nêu nhận định, Hà Nội có nhiều trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ sinh sống nên cần quan tâm là tạo được chính sách đãi ngộ để đội ngũ này có đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển của Hà Nội trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Dự thảo cần đề cập cũng như nhấn mạnh đến nội hàm xây dựng con người Thủ đô có tri thức, nhân ái, cao thượng và là biểu tượng của con người Việt Nam.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghj

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Tiểu ban Văn kiện cũng như TP Hà Nội tính toán cùng với các cơ quan T.Ư để khai thác quỹ đất hai bên bờ sông Hồng trên cơ sở bảo đảm quy hoạch thoát lũ sao cho hiệu quả hơn. Bởi đây là nguồn lực lớn mà TP chưa phát huy được.

Thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ trong phát triển Thủ đô

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá rất cao cách làm của Hà Nội trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các Văn kiện trình tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Nhờ đó, mà Dự thảo Báo cáo Chính trị được xây dựng công phu, nghiêm túc, trách nhiệm; tập hợp được trí tuệ của các cấp uỷ đảng, đảng viên trong Đảng bộ và ý kiến của các cấp, các ngành. Dự thảo cũng bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội cần nghiên cứu các ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, thiết thực của Đảng đoàn Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Chính trị.

Nhất trí với kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hà Nội cần nhấn mạnh thêm bối cảnh năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết (thiên tai dịch bệnh, Covid-19) đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong đó, nhấn mạnh việc Hà Nội đã chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm cao để vượt qua khó khăn và đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện; có một số chỉ tiêu không đạt nhưng vẫn ở mức khá so với trung bình cả nước.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị

“Khi dịch Covid-19 gần đây xảy ra ở Đà Nẵng thì người dân cả nước mong rằng Đà Nẵng cũng làm như Hà Nội để sớm dập tắt ổ dịch thành công. Cả hệ thống chính trị của Hà Nội đã phát huy vị thế, vai trò của mình trong việc đóng góp xây dựng Thủ đô trong thời gian qua. Điều này cho thấy Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia và trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội hôm nay tuy còn nhiều vấn đề cần giải quyết tốt hơn nhưng hiện đã đẹp, sáng, xanh, hiện đại, văn minh về cả hình thức lẫn nội dung” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cơ bản nhất trí với các định hướng của TP trong Dự thảo, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cùng với dự báo tình hình, TP cần gắn việc thực hiện chính sách pháp luật (trong đó có các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô) để đưa ra các nhiệm vụ giải pháp sát với thực tiễn và đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, Nhân dân TP.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, TP cần rà soát, bổ sung các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quy hoạch phù hợp, thể hiện đổi mới mạnh mẽ trong tư duy phát triển với những đặc trưng của Hà Nội. Theo đó, ngoài những nội dung về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại DN Nhà nước, cũng cần có đánh giá bổ sung để làm rõ kết quả thực hiện cơ cấu đầu tư công về Ngân sách Nhà nước, tiến độ, quy mô giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công. Đặc biệt, cần đánh giá kết quả trong việc thực hiện giải pháp để ngăn chặn sự lây nhiễm, hạn chế, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Hà Nội cần phải coi phòng chống dịch là trọng tâm hàng đầu song song với công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ TP.

Chỉ ra những vấn đề, áp lực mà Hà Nội phải đối mặt trong quá trình phát triển, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, TP cần tăng cường hoàn thiện các tuyến đường giao thông kết nối với các vùng kinh tế, sắp xếp quỹ đất để tạo nguồn lực phát triển; CCHC công và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tiểu ban Văn kiện bổ sung, đánh giá thêm về hiệu quả hoạt động công vụ trong thời gian qua, chỉ rõ những lĩnh vực cần quan tâm để cải thiện trong nhiệm kỳ tới. Bổ sung số liệu DN hiện có để thấy được bức tranh chung và sức sống của các DN để qua đó đưa ra giải pháp nâng cao năng lực, sức cạnh tranh. Làm rõ nội dung về phát triển và tham gia đóng góp các chỉ tiêu phát triển từ các thành phần kinh tế.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại hội nghị

Nhấn mạnh việc Hà Nội phải gương mẫu đi đầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đánh giá sâu hơn nguyên nhân của việc nhiều dự án không hoàn thành tiến độ để đề ra giải pháp. Đồng thời, bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác quy hoạch, quy hoạch đặc thù; bổ sung đánh giá năng lực vận tải hành khách công cộng, hạ tầng xã hội; bổ sung nhận xét mối quan hệ hỗ trợ tương tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô để từ đó khai thác tối đa thuận lợi, liên kết giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Đánh giá công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của TP có chuyển biến tích cực nhưng Chủ tịch Quốc hội đề nghị, TP cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để xảy ra những vụ việc ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, các ý kiến đóng góp hết sức chất lượng. Trên cơ sở đó, Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc và với tinh thần cầu thị cao nhất để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội.