Hà Nội: Lượng mưa giảm khiến chất lượng không khí tại các điểm giao thông đang xấu đi

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, thời tiết tại Hà Nội có sự thay đổi, số ngày mưa ít hơn so với tuần trước đã ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Tuy nhiên, tại các điểm quan trắc khu vực dân cư, tỉ lệ số ngày chỉ số chất lượng không khí đạt mức tốt vẫn khá cao.

Chất lượng không khí Thủ đô tiếp tục được duy trì ổn định
Theo báo cáo chỉ số chất lượng không khí (AQI) tuần từ 22/7 - 28/7 của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội) cho thấy, số ngày có chỉ số chất lượng không khí đạt mức tốt đã giảm so với tuần trước. Tuy nhiên tại các điểm quan trắc khu vực dân cư, tỉ lệ số ngày chỉ số chất lượng không khí đạt mức tốt vẫn khá cao.

Trong tuần này chỉ số AQI dao động trong khoảng 40 - 96, luôn đạt mức tốt và trung bình ở tất cả các trạm. Các trạm nền đô thị AQI khá thấp dao động trong khoảng 42 - 63, các trạm quan trắc giao thông AQI dao động trong khoảng 53 - 96.

Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, chất lượng không khí trong tuần qua có nhiều ngày đạt mức trung bình hơn so với tuần trước đó. Cụ thể khu vực Kim Liên và Tân Mai số ngày AQI ở mức tốt giảm xuống còn 71.4%, Mỹ Đình đạt 57.1%, Hoàn Kiếm và Tây Mỗ là 42.9%, không có bất kỳ chỉ tiêu quan trắc nào trong những khu vực này vượt giới hạn cho phép.

Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, trong tuần này chất lượng không khí vẫn tiếp tục duy trì ở mức khá tốt. 100% số ngày có AQI đều ở mức trung bình, không có ngày nào AQI ở mức kém. Chỉ số AQI cao nhất trong tuần tại 2 điểm quan trắc này lần lượt là 96 và 76.

Tại các điểm quan trắc giao thông nội thành là Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, AQI luôn ở mức trung bình. Chỉ số AQI của trạm quan trắc Hàng Đậu gần như không có biến động nhiều so với những chỉ số được ghi nhận của tuần trước đó.

Nguyên nhân do trong tuần này thời tiết tại Hà Nội có sự thay đổi, số ngày mưa ít hơn so với tuần trước. Nền nhiệt độ dao động từ 27 - 31 độ C. Vào những ngày có mưa sẽ giúp làm sạch hầu hết các luồng bụi bẩn trôi nổi trong không khí, các khí thải, khói, bụi khuếch tán lên các tầng khí quyển cao hơn, giúp cho không khí xung quanh ở gần mặt đất duy trì chất lượng tốt, chứa ít các chất gây hại tới sức khỏe con người.

Tuy nhiên, những ngày không có mưa, nồng độ các chất trong không khí lại tăng nhẹ, khiến cho chỉ số chất lượng không khí ở một số điểm quan trắc giao thông cao hơn so với tuần trước đó. Nhưng nhìn chung chất lượng không khí của Thủ đô vẫn duy trì ở mức tốt và trung bình.

Theo dự báo Hà Nội đang bước vào mùa mưa nên chất lượng không khí sẽ duy trì ở mức tốt và tỷ lệ số ngày AQI ở mức tốt có thể sẽ gia tăng kéo dài trong thời gian tới.

Như vậy có thể thấy chất lượng không khí của Thủ đô trong 3 tháng gần đây đã được cải thiện rõ rệt. Thậm chí có thời điểm nắng nóng, lưu lượng các phương tiện giao thông tham gia cao, song cũng chưa có khu vực nào nằm trong diện cảnh báo xấu. Đa phần chỉ số AQI đo được ở mức trung bình. Đặc biệt, trong tháng 7, khi thời tiết mưa nhiều các chỉ số AQI tốt chiếm đa số.
Thời tiết mưa nhiều sẽ giúp chất lượng không khí tại các điểm giao thông được cải thiện hơn.
Sẽ nâng gấp đôi số trạm quan trắc chất lượng không khí

Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, hiện nay Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do biến đối khí hậu gây ra với tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng ngày càng tăng.

Theo thống kê, số dân cư sống tại Thủ đô đã lên tới trên 7,7 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn địa bàn Thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 1300 làng nghề, 5.3 triệu xe gắn máy, và 560 ngàn ôtô, mỗi ngày tiêu thụ ước tính 38 triệu kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu… Đây chính là nguồn phát thải các chất gây ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng không khí Thủ đô.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết thêm, nhìn tổng thể, chất lượng không khí của Hà Nội đang từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tại các trục đường giao thông và các khu vực xây dựng vẫn đang bị ô nhiễm nặng về bụi và benzen, tiếng ồn. Trong đó đáng chú ý là khu vực quận Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm với các vị trí có nồng độ chất ô nhiễm cao như: Bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, ngã tư Cổ Nhuế, chân cầu vượt Phạm Văn Đồng, điểm đỗ xe buýt Long Biên, Bến xe Giáp Bát, ngã tư Cầu Diễn…

Tại các khu công nghiệp, một số chỉ tiêu ở một số thời điểm vượt nhẹ. Riêng chỉ tiêu benzen, mặc dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 06:2009/BTNMT nhưng có xu hướng tăng dần qua các năm do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng), đặc biệt do sự gia tăng các phương tiện giao thông.

Hiện Thành phố đã lắp đặt và đang vận hành ổn định 10 trạm quan trắc không khí, gồm 2 trạm quan trắc cố định và 8 trạm cảm biến do Sở Tài nguyên & Môi trường là cơ quan quản lý. Các trạm quan trắc nhằm cung cấp số liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí; công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí; tạo cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý và lập quy hoạch chính sách về bảo vệ môi trường Thủ đô.

Trong thời gian tới Thành phố sẽ tiếp tục triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí tại Hà Nội. Triển khai Dự án “Đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn TP Hà Nội” đến năm 2020, với quy mô đầu tư 20 trạm quan trắc không khí (20 trạm quan trắc cố định tự động liên tục và 1 xe quan trắc tự động lưu động); 4 trạm quan trắc nước mặt; 6 trạm quan trắc nước dưới đất; quản lý, vận hành Trung tâm Quản lý và xử lý dữ liệu quan trắc môi trường.

Đồng thời đánh giá, kiểm kê các nguồn phát thải chính; xây dựng mô hình hoá bản đồ ô nhiễm không khí, xây dựng các kịch bản ô nhiễm môi trường không khí và đề xuất các giải pháp giảm thiểu, hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn TP.