Hà Nội: Lưu lượng giao thông giảm giúp chất lượng không khí đang dần được cải thiện

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, sinh viên các trường gần như đã được nghỉ nên lượng phương tiện tham gia giao thông giảm, cộng với điều kiện thời tiết thay đổi dẫn đến chất lượng không khí tại các khu vực được cải thiện hơn rất nhiều.

Tổng hợp báo cáo chỉ số AQI từ ngày 27/1 - 2/2 tại TP Hà Nội cho thấy, so với tuần trước đó, trong tuần này chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội đã được cải thiện đáng kể và có chênh lệch rõ rệt giữa các ngày trong tuần.
Cụ thể, số ngày AQI chạm ngưỡng xấu và kém đều tập trung hết vào các ngày cuối tuần (ngày 27/1) và đầu tuần (28/1); 27/1 là ngày có chất lượng không khí kém nhất trong tuần. Tây Mỗ là trạm duy nhất không có ngày nào AQI đạt ngưỡng xấu.
Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, chất lượng không khí trong tuần này đã được cải thiện, AQI chủ yếu ở mức trung bình. Số ngày AQI chạm ngưỡng xấu tại các trạm Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình và Tân Mai giảm xuống còn 14,3%, trạm Tây Mỗ không có ngày nào AQI ở mức xấu; ở mức kém cũng lần lượt giảm xuống còn 14,3%, riêng trạm Mỹ Đình không có ngày nào AQI chạm ngưỡng kém; còn lại ở mức trung bình.
Đối với, 2 điểm quan trắc giao thông đặt tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, tương tự các trạm nền đô thị, trong tuần này, chất lượng không khí tại cả hai trạm cũng đã được cải thiện hơn, AQI ở mức trung bình là chủ yếu.
Cải thiện rõ rệt nhất là trạm Minh Khai, với số ngày AQI chạm ngưỡng xấu giảm từ 71,4% xuống còn 14,3%, mức trung bình tăng từ 14,3% lên 57,1%, mức kém chiếm 28,6%. Trạm Phạm Văn Đồng số ngày AQI ở mức trung bình cũng tăng từ 14,3% lên 57,1%, ở mức xấu” giảm từ 42,9% xuống còn 14,3%, mức kém giảm từ 42,9% xuống còn 28,6%. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này lần lượt là 210 và 288.
Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, chất lượng không khí cũng chủ yếu ở mức trung bình. Số ngày AQI ở mức trung bình tăng lên lần lượt là 57,2%, 71,4%; ở mức xấu đều giảm xuống còn 14,3%; còn lại ở mức kém.
Như vậy, điều kiện khí tượng và hoạt động giao thông thay đổi đã phần nào kéo theo sự thay đổi của chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, vào ngày 27/1, điều kiện khí tượng vẫn còn bất lợi, không có mưa, ít gió, sáng sớm có sương mù, nhiệt độ ngày và đêm có sự chênh lệch khá nhiều, các chất ô nhiễm vẫn không được khuyếch tán lên cao mà tiếp tục tích lũy lại ở lớp khí gần mặt đất. Đồng thời đây lại là vào ngày cuối tuần của dịp cuối năm, nên nhu cầu đi lại mua sắm của người dân tăng cao, do đó lượng phương tiện tham gia lưu thông vẫn ở mức cao, lượng khí thải khói bụi phải thải ra môi trường nhiều, khiến chỉ số chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức khá cao. Chính điều kiện thời tiết bất lợi kết hợp với hoạt động giao thông, xây dựng gia tăng, đốt rác tăng đã làm cho bầu không khí Hà Nội luôn bị tích tụ thêm chất ô nhiễm mà khó có thể phát thải, pha loãng, khiến chất lượng không khí xấu đi.
Nhưng đến ngày 28/1, khi điều kiện khí tượng đã có sự thay đổi như đỡ hanh khô, có nắng và gió. Xuất hiện sự chuyển động rối và khuấy trộn giữa các tầng khí quyển, đã giúp các chất thải khói bụi có thể khuếch tán lên cao để pha loãng và phát thải. Một phần nữa đây cũng là tuần cuối cùng trước khi nghỉ Tết, do đó, vào thời điểm này, sinh viên các trường gần như đã được nghỉ Tết nên lượng phương tiện tham gia giao thông cũng đã giảm đi phần nào, do đó nồng độ các chất thải giảm, chất lượng không khí được cải thiện.
Dự đoán, vào tuần nghỉ Tết Nguyên Đán, khi số lượng người dân và phương tiện tham gia giảm thông giảm đáng kể, thì chất lượng không khí trên toàn thành phố Hà Nội sẽ được cải thiện hơn nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần