Hà Nội mở rộng quảng bá và phát triển các điểm bán hàng OCOP

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1 - 5/10, tại số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã diễn ra Hội chợ nhằm quảng bá, tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP. Đây cũng là cơ sở để Hà Nội mở rộng thị trường bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Kết nối cung - cầu
Theo ghi nhận của phóng viên tại Hội chợ Quảng bá, tiêu thụ nông đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP - nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm của Chính phủ tại Hà Nội, hầu hết các tỉnh, TP đều đem những mặt hàng đặc sắc nhất, có thương hiệu, mẫu mã và đạt chuẩn chất lượng từ 3 đến 5 sao để quảng bá, tìm đầu mối tiêu thụ.
Hội chợ thu hút đông đảo người dân mua sắm.

Với mục tiêu kết nối cung - cầu cho các sản phẩm vào chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông đem đến quảng bá 22 sản phẩm OCOP đã được đăng ký chất lượng từ 3 - 4 sao. Các sản phẩm đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ.
Bà Bùi Thị Hằng - Chi cục phó Chi cục PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, qua Hội chợ, tỉnh Đắk Nông rất mong tìm được đối tác, hoặc nhà phân phối tại Hà Nội để thường xuyên phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tại đây.
 Đắk Nông đem đến Hội chợ 22 sản phẩm OCOP đều đã được cấp chứng nhận từ 3 - 5 sao.

Nói về hiệu quả của của các hội chợ nói chung và Hội chợ lần này nói riêng, ông Nguyễn Văn Phát - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thuận Phát cho biết, HTX đem đến đây là những nông sản tươi và chế biến của tỉnh Hưng Yên, như Long nhãn, chuối, mít sấy khô, mật ong, bưởi, cam… HTX đã tham gia gia nhiều lần Hội chợ tại Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành khác. Sau mỗi lần Hội chợ HTX đã ký thêm được những hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với siêu thị, chuỗi cung ứng hàng hóa. Nhiều người biết đến sản phẩm của Thuận Phát, chính vì thế mà sau 2 năm thực hiện chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm, Thuận Phát đã đưa diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap từ 10ha lên 40ha.
 Ông Nguyễn Văn Phát - Giám đốc HTX Thuận Phát, giới thiệu các sản phẩm tham gia Hội chợ.
Ở góc độ người tiêu dùng, ông Phạm Thái Cơ (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thường đi mua hàng ở các Hội chợ. Tại Hội chợ OCOP, các cơ sở sản xuất mang đến đây khá nhiều hàng hóa nông sản, đặc sản vùng miền mà mình không có điều kiện đi đến các nơi đó để mua. Hàng hóa ở đây đảm bảo chất lượng và giá hợp lý. Tôi rất mong có nhiều Hội chợ như thế này để người tiêu dùng Thủ đô được tiếp cận, mua sắm".
Cơ hội để Hà Nội đẩy mạnh các điểm bán hàng OCOP
Theo báo cáo, sau gần 2 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay TP Hà Nội đã có 301 sản phẩm nông sản, làng nghề được cấp chứng nhận OCOP từ 3 - 5 sao. Dự kiến, kết thúc năm 2020, Hà Nội sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng có khoảng từ 800 - 1.000 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao; trong đó, có khoảng 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia 5 sao.
 Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan.
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, sản phẩm OCOP hiện là nguồn hàng hóa chất lượng khá lớn trên địa bàn, cùng nhiều tỉnh, TP cũng đang phát triển những hàng hóa đảm bảo chất lượng, mẫu mã tốt, có truy xuất nguồn gốc. Do đó, Sở Công Thương đang đẩy mạnh phát triển các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn. Dự kiến trong năm 2020 Sở sẽ xây dựng được 25 điểm bán hàng OCOP và năm 2021 sẽ nâng lên 100 điểm.
"Mục tiêu của ngành Công Thương là đưa điểm bán hàng này vào giúp cho người nông dân, HTX, DN sản xuất trên địa bàn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, kết nối với các DN, HTX ở các tỉnh, thành khác đưa hàng hóa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại đưa hàng hóa của Hà Nội tiêu thụ ở tỉnh ngoài. Đây cũng là thực hiện mục tiêu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
Hà Nội mở rộng quảng bá và phát triển các điểm bán hàng OCOP - Ảnh 5
Chả cá thát lát Huệ Dương.
Tham gia Hội chợ lần này, Công ty TNHH Thực phẩm và nông sản sạch Sóc Sơn lựa chọn sản phẩm cá thát lát Hậu Giang đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, với thương hiệu Huệ Dương.
"Hiện sản phẩm chả cá thát lát Huệ Dương đã được nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội chấp nhận và bán. Sau Hội chợ, Công ty rất muốn đưa được sản phẩm vào tiêu thụ tại các điểm bán hàng OCOP của Hà Nội, cũng như xuất bán ra các tỉnh, thành khác" - bà Dương Thị Huệ - Giám Đốc Công ty TNHH Thực phẩm và nông sản sạch Sóc Sơn chia sẻ.
 Thịt bò và giò bò Ba Vì được khá nhiều người quan tâm mua sắm.

Với những ý kiến ghi nhận được trên đây, cho ta thấy việc phát triển các điểm bán hàng OCOP, nhằm mục đích quảng bá, đưa hàng hóa nông, thủy sản, đặc sản có thương hiệu đến tay người tiêu dùng không phải chỉ là chủ trương của TP mà còn là nhu cầu của cả nhà sản xuất, người tiêu dùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần