Hà Nội mở rộng và cơ hội của bất động sản

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 92,9% số phiếu đồng ý thời điểm năm 2008 đã chính thức ghi dấu cuộc mở rộng lịch sử của Hà Nội.

Sau 10 năm, bức tranh mở rộng Thủ đô đã thực sự trở thành một chỉnh thể thống nhất. Giới chuyên gia đồng tình rằng, quyết định mở rộng địa giới hành chính không chỉ cải thiện tình hình giao thông, thay đổi bộ mặt đô thị Hà Nội mà còn là “cú hích” cho nhiều dự án bất động sản (BĐS) tăng tốc và hồi sinh.
Ông Vũ Kim Giang - Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Hải Phát.
Ông Vũ Kim Giang - Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Hải Phát: Các sản phẩm đối trọng xứng tầm
Một trong những mục tiêu hàng đầu của việc mở rộng Thủ đô là phân bố lại dân cư, giảm sức ép nhu cầu BĐS trong khu vực nội thành. Lẽ đương nhiên, khi tổng diện tích Hà Nội tăng lên gấp 3,6 lần đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nhà đất. Trong đó, khu vực được đánh giá có triển vọng nhất chính là trục phía Tây TP.

Thực tế, xu hướng hoạt động kinh doanh BĐS Hà Nội 10 năm qua có sự chuyển dịch tích cực theo đúng ý đồ của Chính phủ. Các dự án, các hoạt động giao dịch lớn bắt đầu bùng nổ tại các khu vực ngoại thành, xa trung tâm theo các trục chính.

Không ít các DN địa ốc nhanh tay phát triển các dự án nằm lân cận khu vực có trục đường mới đi qua, cùng “điện, trường, trạm” hoàn thiện đã “phất” lên thấy rõ. Trong đó, các dự án tầm trung dọc theo các trục hướng tâm của Thủ đô mới, như đường Nguyễn Trãi - Hà Đông - quốc lộ 6, quốc lộ 32, đường Láng - Hòa Lạc, đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài... vẫn ghi nhận thanh khoản tốt. So với vùng lõi trung tâm, nơi chuyên phát triển BĐS cao cấp phục vụ giới đầu tư và tầng lớp trung lưu trở lên, thị trường phía Tây mang đặc tính chậm nhưng chắc, bền vững hơn do đa phần phục vụ nhu cầu ở thật.

Đặc biệt, với sự khởi động của tuyến đường sắt đô thị, quy hoạch hợp lý, BĐS khu Tây sẽ trở thành đối trọng xứng tầm với các khu vực trung tâm Hà Nội.
Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc.
Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc: Tỷ lệ phân phối dự án khu Tây chiếm 60%
Sau khi Hà Nội mở rộng, phần diện tích mở rộng đã hình thành nhiều khu dân cư và thương mại lớn khang trang. Song vẫn có không ít định kiến cho rằng đây không phải là khu vực nội thành Hà Nội, phát triển rời rạc, manh mún.

Hiện tượng này cũng từng diễn ra ở các nước khác trên thế giới. Song hiện tại, khi giá bán nhà và tình trạng ùn tắc giao thông khu trung tâm đạt đến độ khó chấp nhận, tư duy thiểu số trên gần như biến mất. Thực tế, trong “rổ hàng” BĐS được Đất xanh miền Bắc phân phối có đến hơn 60% dự án đến từ khu Tây. Số liệu thống kê nội bộ của Công ty cho thấy năm 2015, 2016 phân khúc cao cấp và nghỉ dưỡng chiếm ưu thế chủ đạo.
Tuy nhiên, sang năm 2017 có thể thấy rõ nét sự dịch chuyển sang phân khúc trung bình và trung bình khá, các nhà đầu tư ưu tiên phát triển nhà mức giá từ 16 - 22 triệu đồng/m2 và từ 22 - dưới 30 triệu đồng/m2. Tất yếu phát triển theo quỹ đạo của năm 2017, năm 2018 phân khúc trung bình và trung cấp chiếm vị trí chủ đạo.
Trong khi đó, các dạng sản phẩm với mặt bằng giá bình dân như trên chỉ được thiết lập ở vị trí khu Tây Hà Nội - nơi có lợi thế quỹ đất “sạch” rộng lớn, hạ tầng giao thông, kỹ thuật và xã hội lại ngày càng đồng bộ.

Dự báo, nửa cuối năm 2018 bức tranh quy hoạch phía Tây Nam Hà Nội tiếp tục đón nhận những điểm sáng mới về hạ tầng giao thông, quy tụ nhiều công trình văn hóa, xã hội và các dự án BĐS thế hệ mới.
Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group.
Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group: “Thiên đường” của căn hộ tầm trung
Dải đất phía Tây hiện vẫn là tâm điểm của người mua nhà lẫn DN BĐS. Sau thời điểm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, giá đất phía Tây vẫn xuất phát điểm thấp, còn khá rẻ, chi phí đầu tư thấp.
Trên tổng thể khu vực phía Tây, các nhà đầu tư thực sự lạc quan với những mắt xích giao thông mới trong tương lai như Nguyễn Trãi qua Lương Thế Vinh, đường Trung Văn kết nối Mễ Trì - Mỹ Đình, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, hay trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương cùng xe bus nhanh BRT kết nối khu vực… sẽ trở thành động lực để khu Tây phát triển với tốc độ đầy kỳ vọng trong thời gian tới.
Thay vì mua bán dạng “trên giấy” là chủ yếu như trước giao dịch tại đây chưa có dấu hiệu “chững” do nguồn cung nhà ở giá ở bình dân chiếm lĩnh thị trường. Tiềm năng của khu Tây chưa dừng ở đó, mà sức hút của khu vực này còn đến từ những phát triển con người đồng bộ và đầy ấn tượng… Dòng dân cư mới mẻ, đông đúc được “kéo giãn” từ vùng lõi đã thúc đẩy nhu cầu thiết lập nhu cầu sinh hoạt, mua sắm mới nơi đây. Với sự xuất hiện của những dự án BĐS đánh “đúng và trúng” nhu cầu của khách hàng đã và đang tạo sức nóng cho BĐS trục Tây Hà Nội. Dự đoán trong 10 năm nữa, thị trường này sẽ là sân chơi của phân khúc trung cấp với hàng triệu căn hộ vừa túi tiền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần