Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nâng cao năng lực hội nhập quốc tế: Đi tắt đón đầu công nghệ mới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các đơn vị cần xác định mục tiêu chủ yếu là đi tắt đón đầu công nghệ mới trên tất cả các lĩnh vực.

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị tổng kết công tác hội nhập quốc tế TP Hà Nội năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 tổ chức ngày 5/2.

Nhiều khởi sắc

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế TP Hà Nội cho thấy, trong năm 2017, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được các sở, ngành đẩy mạnh, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện mức độ hài lòng của người dân, DN trong giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước được triển khai đồng bộ. Với sự nỗ lực đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội đã tăng 10 bậc so với năm 2015, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước đến nay.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.Ảnh: Lê Nam
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của TP, DN và sản phẩm, phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, công tác hội nhập quốc tế đã được triển khai đồng đều, tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội. Cụ thể, năm 2017, hoạt động xuất khẩu của TP đạt 11.790 triệu USD, tăng 10,3%. TP đã thu hút trên 3,43 tỷ USD vốn đầu tư, tăng 10,2% so với năm 2016; cấp mới 556 dự án, vốn đăng ký mới đạt 1,434 tỷ USD. Đồng thời chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của 637 nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,311 tỷ USD.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Quá trình hội nhập quốc tế đã thu được nhiều kết quả đáng mừng, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều lúng túng, đặc biệt trong những vấn đề như hỗ trợ DN, mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ người tiêu dùng... Mặc dù các sở, ngành đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách với thực tiễn. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế TP Hà Nội, nguyên nhân của những tồn tại đó xuất phát từ hệ thống cơ chế, chính sách chung của Nhà nước chưa đồng bộ, kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Nhiều cơ chế, chính sách chậm được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung.

Nhằm khắc phục những yếu kém này, trong năm 2018, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của TP trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm tra, rà soát văn bản để tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, công dân khai thác sử dụng. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư theo lĩnh vực cần thu hút cụ thể tại các nước đối tác chiến lược, thực hiện chương trình xúc tiến hỗ trợ DN mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ: Trong quá trình hội nhập quốc tế, các sở, ngành, DN cần thay đổi nhận thức theo hướng đi tắt đón đầu công nghệ, lĩnh vực mới thực chất, hiệu quả sát với thực tế. Đồng thời không bó gọn vào việc giới thiệu DN, hàng hóa mà cần mở rộng sang lĩnh vực kêu gọi đầu tư theo tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi nhưng vẫn huy động được hỗ trợ từ phía đối tác quốc tế cả về kinh phí và chất xám. Đặc biệt, trong quá trình kêu gọi đầu tư nước ngoài, mua bán chuyển giao công nghệ, các sở, ngành cần chú trọng kêu gọi những dự án chất lượng cao thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước, y tế, nông nghiệp, văn hóa, kinh tế - xã hội... Quá trình hội nhập quốc tế, các sở, ngành cần đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thủ đô.