Hà Nội nâng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính: Rút gọn tối đa thành phần hồ sơ

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội tiếp tục giữ vị trí thứ hai về chỉ số cải cách hành chính (CCHC), đồng thời đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Ðây là một kết quả đáng mừng, ghi nhận những đổi mới trong điều hành của bộ máy chính quyền TP và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng nền hành chính phục vụ.
Với chủ đề công tác là "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", nhìn lại năm vừa qua có thể thấy, lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao các chỉ số PCI, PAPI. Đồng thời xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh chương trình Chính phủ điện tử, từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh.
Hướng dẫn cho người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng
Đúng như phương châm “lấy DN, người dân là trung tâm phục vụ”, Hà Nội đã không ngừng nâng chất lượng giải quyết thủ tục nhanh và gọn. Đặc biệt, việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, giúp giảm thời gian thực hiện và tiết kiệm kinh phí được đặc biệt quan tâm, nhất là trong cấp phép đầu tư, xây dựng, thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất… Năm vừa qua, từ TP đến các địa phương, hàng loạt TTHC đã được kiến nghị đơn giản hóa, nhiều thành phần hồ sơ được rút gọn tối đa.
Thống kê cho thấy, trong nhiều lĩnh vực, nhờ đơn giản TTHC đã giảm đáng kể số ngày làm việc. Cụ thể, giảm từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày đối với thủ tục phòng cháy, chữa cháy; từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày đối với thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất… Trong đó, lĩnh vực Công Thương có số TTHC được đơn giản hóa nhiều nhất, với 34 thủ tục, giúp rút ngắn 116 ngày làm việc, tiết kiệm được hơn 2,4 tỷ đồng...
Ðể tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cao nhất cho DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân và DN trong các giao dịch hành chính, TP cũng ban hành quy định về áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, DN, hợp tác xã.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Hiện, TP Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến dùng chung, cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn.
Những nỗ lực về công tác CCHC đã giúp chỉ số PCI năm 2018 của TP Hà Nội tiến lên vị trí thứ 9 trong số 63 tỉnh, TP trong cả nước, nằm trong tốp mười tỉnh, TP có chất lượng điều hành tốt, hoàn thành trước hai năm so với mục tiêu TP đã đề ra. Hà Nội trở thành một trong những địa chỉ đầu tư an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Trong 3 năm, từ 2016 - 2018 và 3 tháng đầu năm nay, TP thu hút được gần 18,29 tỷ USD vốn đầu tư, gấp 2,92 lần giai đoạn 2011 - 2015. Số DN thành lập mới đạt kỷ lục từ trước đến nay, với hơn 78.000 DN thành lập mới.
Từ những kết quả chỉ số CCHC năm 2018, năm 2019, TP tiếp tục phấn đấu có nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn như phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại các cơ quan, đơn vị từ nay đến năm 2020. Đồng thời, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC trong thẩm quyền và quy định, để hỗ trợ, đồng hành, tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN.

Ðến cuối năm 2018, TP hoàn thành chỉ tiêu 55% số TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; trong đó có 916 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 139 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ðể nâng chất lượng phục vụ, Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra công vụ, khắc phục ngay những thiếu sót và hạn chế từ cơ sở.