Hà Nội ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi: Siết chặt kiểm dịch động vật

Trọng Tùng - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để ngăn chặn nguy cơ lây lan, sớm khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, TP Hà Nội đã thành lập 6 chốt kiểm dịch liên ngành. Các địa phương phát hiện có ổ dịch cũng đã thành lập nhiều chốt chặn tại cửa ngõ giao thông ra vào địa bàn.

 Phun thuốc tiêu độc khử trùng phương tiện qua chốt kiểm dịch tại huyện Đông Anh. Ảnh: Trọng Tùng
Nguy cơ xâm nhiễm vẫn rất cao

Huyện Đông Anh là địa phương nằm giáp ranh với tỉnh Bắc Ninh. Chính vì vậy, công tác kiểm dịch được địa phương rất chú trọng. Theo đó, ngay khi phát hiện ổ dịch tại xã Thụy Lâm, huyện đã thành lập 4 chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông, có sự tham gia của lực lượng liên ngành gồm: Công an, dân quân tự vệ, cán bộ chăn nuôi – thú y, tổ chức ứng trực 24/24 giờ…
Tổ kiểm dịch lưu động cũng sẽ có chức năng khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, giám sát việc xử lý tiêu hủy khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo quy định.

Cũng giống như tại nhiều chốt kiểm dịch liên ngành khác được thành lập tại hai quận Long Biên, Hoàng Mai và các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, lực lượng này được trang bị bảo hộ và cấp phát vôi bột, bình xịt, cùng hóa chất để tiến hành tiêu độc khử trùng đối với các phương tiện qua lại chốt. Đối với những phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm khi có đầy đủ giấy kiểm dịch thì các chốt hướng dẫn đi đường khác, tuyệt đối không cho đi qua vùng dịch…

Tuy nhiên theo ông Ngô Vĩnh Tỵ - Xã đội trưởng xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh), hiện việc kiểm soát động vật, sản phẩm động vật, nhất là lợn tại các chốt kiểm dịch gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân đến từ phần ranh giới tiếp giáp với các địa phương có nhiều đường ngang, ngõ tắt. Các đối tượng buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn có thể lợi dụng điều này để vận chuyển lợn ra, vào TP, huyện.

Một khó khăn nữa được đưa ra là bất cập trong quản lý giết mổ động vật nhỏ lẻ. Chị Trần Thị Nguyệt - Trưởng ban Chăn nuôi – Thú y phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), một trong những địa phương đã phát hiện có ổ dịch cho biết, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nhỏ lẻ được vận chuyển không bao gói và nhãn hàng hóa. Khi phát hiện lô hàng vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng chủ hàng khai báo nguồn gốc trong tỉnh, cán bộ thú y sẽ không có cơ sở kiểm tra, do không thể xác định được sản phẩm đó sản xuất trong hay ngoài TP.

Sẽ thành lập tổ kiểm dịch lưu động

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 con lợn, hơn 36.000 gia súc, gia cầm nhập từ các tỉnh, TP về Hà Nội tiêu thụ. Đây là nguồn gây nguy cơ lây lan, truyền nhiễm dịch bệnh tả lợn rất lớn. Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn tại các chốt chặn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất UBND TP cho phép thành lập 3 tổ kiểm soát động vật lưu động liên ngành; mỗi tổ sẽ gồm 5 thành viên thuộc các lực lượng chức năng, tổ chức tuần tra, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi 24/24 giờ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, tổ lưu động sẽ có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn TP. Xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chăn nuôi - thú y có thẩm quyền vào tiêu thụ tại Hà Nội. Tổ kiểm dịch lưu động là nỗ lực tiếp theo của Hà Nội nhằm sớm khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần