“Hà Nội – ngày Chủ Nhật không túi nilon”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "“Hà Nội – ngày Chủ Nhật không túi nilon” là sự nối tiếp sau kết quả đáng khích lệ của chương trình thí điểm “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường” được tổ chức ngày 30/1/2010." - Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết.

KTĐT - "“Hà Nội – ngày Chủ Nhật không túi nilon” là sự nối tiếp sau kết quả đáng khích lệ của chương trình thí điểm “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường” được tổ chức ngày 30/1/2010." - Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết.

“Tuyên truyền mới chỉ là bước đầu. Để nói không với túi nilon, chúng tôi sẽ đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đưa thêm tiết học về tác hại của túi nilon vào trường học, từ mẫu giáo tới cấp 3 để học sinh hình thành ý thức,” bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội nói.

Cần cấm sản xuất túi nilon độc hại

- Ngày mai (8/8), 29 quận, huyện của Hà Nội sẽ đồng loạt ra quân hưởng ứng chương trình “Hà Nội – ngày Chủ Nhật không túi nilon.” Bà có thể cho biết rõ hơn về chương trình này?

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: “Hà Nội – ngày Chủ Nhật không túi nilon” là sự nối tiếp sau kết quả đáng khích lệ của chương trình thí điểm “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường” được tổ chức ngày 30/1/2010.

Tại chương trình này, ngoài sự kiện chính được diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động như đạp xe vì môi trường, phát túi thân thiện với môi trường miễn phí tại hệ thống các siêu thị, chợ trên toàn địa bàn Hà Nội…

Hiện ban tổ chức đã có đủ 60.000 chiếc túi để phát miễn phí cho người dân. Trong đó, có 30.000 túi giấy và 30.000 túi vải dễ phân hủy trong môi trường.

- Xin bà nói rõ hơn về thành công của chương trình thí điểm “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường” hồi đầu năm 2010?

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Khi chúng tôi kêu gọi sự tham gia của cộng đồng cho chương trình, nhiều doanh nghiệp rất muốn tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi chọn Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) bởi doanh nghiệp này có chuỗi siêu thị và cơ sở sản xuất (mì ăn liền, gia vị…), sử dụng nhiều túi nilon và 100% không tự hủy. Khi chương trình được thực hiện, các chuỗi siêu thị của Hapro phát túi thân thiện môi trường miễn phí trong một tuần, người dân đã nhiệt tình hưởng ứng.

Bảy tháng qua đi, chúng tôi có khảo sát tại một số siêu thị, thì mọi người đều biết về chiến dịch ở Hapro và muốn chương trình tiếp tục. Ở siêu thị Metro, người ta hưởng ứng bằng cách phát túi thân thiện môi trường cho khách trong một tháng. Sau đó, người ta không phát túi nilon nữa, mà buộc người mua phải bỏ tiền túi ra mua túi có dòng chữ “Chung tay bảo vệ môi trường…”

Và bây giờ, khi chương trình này được mở ra, có rất nhiều doanh nghiệp đề nghị phối hợp. 60.000 túi được 100% xã hội hóa, nghĩa là các doanh nghiệp ký thẳng với đơn vị sản xuất túi, rồi giao sản phẩm cho Quỹ để phát tới tay người dân.

- Bà có cho rằng, sau 7 tháng chúng ta mới lặp lại chương trình thì loãng và có thể rơi vào tình trạng “bùng lên rồi vụt tắt” hay không?

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Nói về giáo dục, nâng cao nhận thức phải dần dần. Để hình thành thói quen của người dân không chỉ một sớm, một chiều mà cần có thời gian cũng như biện pháp tuyên truyền hợp lý. Song, tôi nghĩ qua đó, ý thức của người dân về tác hại của túi nilon đã được cải thiện.

Ngoài nhận thức của người dân, để quyết liệt hơn, chúng ta cần phải có các chế tài mạnh để thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất túi nilon. Nhất là phải cấm hoạt động tại những cơ sở không đạt chuẩn (như ở làng Triều Khúc - Hà Nội, làng Khoai - Hưng Yên).

Nhìn ra nước ngoài, ở Bangladesh người ta không cho nhập khẩu hạt nhựa sản xuất túi nilon, các siêu thị lớn ở Trung Quốc không phát túi nilon mà bán đắt hơn túi thân thiện môi trường…

Không tuyên truyền suông!

- Như bà nói, tuyên truyền mới chỉ là bước đầu của “cuộc trường chinh” tuyên chiến với túi nilon. Vậy, Quỹ Bảo vệ Môi trường đã “hiến kế” gì cho các cấp lãnh đạo của Hà Nội về vấn đề này?
 
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội một số phương án. Nhưng thật ra, nói không với túi nilon trong một sớm một chiều là không thể. Hiện, các chương trình mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền.

Sau sự kiện ngày 8/8, chúng tôi sẽ mở rộng kế hoạch tuyên truyền liên tục bằng cách phối hợp với các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… Từ đó, tại mỗi buổi sinh hoạt của các đoàn thể này sẽ nói về tác hại của túi nilon tới môi trường và sức khỏe cũng như các giải pháp thay thế. Có thế mới mong tác động đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ từ nông thôn tới thành thị.

Đặc biệt, chúng tôi dự kiến sắp tới sẽ xin ý kiến của thành phố, đưa một số tiết học nói về tác hại của túi nilon vào giáo dục môi trường cho học sinh. Đối tượng giáo dục sẽ phải từ mẫu giáo đến học sinh phổ thông trung học, giúp các em hiểu rõ tác hại của túi nilon và hình thành ý thức từ khi còn bé.

Kế hoạch tuyên truyền thì nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không tuyên truyền suông.

- Vậy Quỹ sẽ làm gì?

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Về lâu dài, ở góc độ của mình, Quỹ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, khuyến khích hoặc đặt hàng xây dựng, nghiên cứu đề tài sản xuất túi nilon tự hủy.

Khi nghiên cứu thành công, Quỹ sẽ đề nghị thành phố có chính sách trợ giá cho doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này như cho vay lãi suất ưu đãi, giảm thuế, thậm chí là hỗ trợ mặt bằng sản xuất… để đưa sản phẩm giá rẻ ra thị trường. Khi túi nilon thân thiện môi trường bằng giá túi nilon hiện nay, thì sẽ chẳng ai dại gì không sử dụng.

Tuy nhiên, chỉ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có cố gắng hết sức cũng không thể giải quyết tận gốc vấn nạn túi nilon mà cần sự xắn tay của các cấp, các bộ ngành khác.

Chúng tôi hy vọng, chiến dịch “Hà Nội – ngày Chủ Nhật không túi nilon” sẽ là bước đệm, để tất cả xã hội cùng vào cuộc, nói không với loại rác thải nguy hại này.

Xin cảm ơn bà!